(VOV5) - Hiện nay, ở dọc các tuyến phố ở Nam Định như Nguyễn Du, Trường Chinh, Minh Khai có rất nhiều cơ sở sản xuất kẹo Sìu với các thương hiệu khác nhau.
Không chỉ người dân Nam Định mà du khách mọi miền đất nước, và cả những người xa quê hương đều biết đến hương vị mộc mạc, thanh tao của thức quà quê dân dã - Kẹo lạc Sìu Châu. Mới đây, cùng với món Bún đũa và Phở bò Nam Định, kẹo Sìu Châu được xếp vào 100 đặc sản và quà tặng 2020-2021 dành cho những món ngon, sản vật đáo của Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghề làm kẹo lạc Sìu châu Nam Định đã nổi tiếng gần hai thế kỷ nay. Ngay cái tên kẹo cũng gợi cho nhiều người sự tò mò. Theo người dân Nam Định, cái tên Sìu Châu có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo ngon có tiếng. Cửa hàng ở phố Hàng Sắt dưới là phố có rất nhiều người Thiều Châu, xế cửa đền Thiều Châu, mỗi khi mách nhau cách tìm mua kẹo người ta chỉ đến gần đền Thiều Châu, ban đầu gọi là “kẹo ở gần đền Thiều Châu” dần dần cho dễ nhớ người ta gọi là “kẹo Thiều Châu” rồi “Sìu Châu” hay đơn giản hơn là kẹo Sìu.
Để làm được thứ kẹo thơm ngon này là một nghệ thuật. Nguyên liệu làm kẹo Sìu Châu dễ kiếm tìm gồm lạc bò, vừng, đường mía, gạo nếp cái hoa vàng và mộng mạ lúa chiêm làm mạch nha. Theo chị Vũ Thị Hoa, chủ thương hiệu có tiếng Sìu Châu Kim Thành Hoa ở Nam Định, nguyên liệu đầu vào quyết định chính đến chất lượng kẹo.
Kẹo lạc Sìu Châu, thức quà độc đáo của Nam Định. |
“Hạt lạc phải là lạc có vỏ hồng cánh sen, hạt nhỏ mới có độ giòn ngậy và tinh dầu đạt chất lượng. Chúng tôi không dùng loại to hiện phổ biến trên thị trường. Về làm mạch nha là các nguyên liệu sạch từ đồng quê là hạt nếp cái hoa vàng và thóc tẻ nảy mầm làm mạ, phơi khô xay nhuyễn ủ lên men với gạo nếp. Giống lạc vỏ hồng đang bị mai một nên tôi đang gây giống mở rộng trồng cánh đồng vừng, lạc ngay tại địa phương để tự sản xuất nguyên liệu chính này”. Chị Hoa cho biết,
Lạc được chọn kỹ lưỡng sau đó được xóc bằng nước sôi trôi hết bụi bẩn, rồi để khô, ráo nước mới cho vào rang. Theo chuẩn truyền thống thì lạc được rang trên cát mới có độ giòn thơm mà không bị khét bởi tinh dầu. Vừng có thể là vừng trắng hoặc vừng đen, mỗi loại sẽ làm cho kẹo ngon một vị và màu sắc cũng khác nhau. Sau khi vừng và lạc rang chín để nguội, tách vỏ, sẩy sạch rồi nấu với đường, quyện mạch nha.
Kẹo lạc Sìu Châu Kim Thành Hoa- một trong những thương hiệu nổi tiểng ở Nam Định |
Để nấu được kẹo Sìu châu, người thợ cần phải sự cảm nhận tinh tế và đôi tay khỏe, khéo, thao tác rất nhanh gọn dứt khoát, bởi kẹo nấu trong thời gian ngắn. Chị Vũ Thị Hoa cho biết, người lành nghề sẽ có bí quyết “hoán đường” mới đảm bảo được hương vị hòa quyện không quá ngọt hay quá béo: “Người thợ phải đảm bảo dẻo tay, giữ nhiệt ổn định của bếp đều đặn trong quá trình nấu. Và họ phải biết nhìn bằng mắt, cảm nhận tay đũa khi nào đạt độ sánh của hỗn hợp của đường mạch nha để đổ lạc và. Và mỗi xưởng sản xuất đều yêu cầu người có kinh nghiệm nấu kẹo mới nắm được bí quyết. Nhìn thì dễ làm nhưng ở mỗi khâu phải chuẩn. bởi nếu không khi đóng gói rồi không kiểm soát được chất lượng sản phẩm”.
Nguyên liệu vừng và lạc được chọn lọc, làm sạch vô cùng kỹ lưỡng. Ảnh DT |
Kẹo ra lò phải có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, ăn giòn tan, thơm lừng vị ngọt. Bước cuối cùng là đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để kẹo chống ẩm và nhanh tay cán mỏng cắt thành phên. Những thanh kẹo được cắt ngắn, bám nhẹ một lớp bột trắng ngà, ăn giòn thơm, có vị bùi của lạc hòa quyện với cái ngọt thanh, sắc của mạch nha, vị thơm của lạc rang hòa quyện cùng với cái thơm của hương bột nếp.
Ưu điểm của kẹo Sìu Châu là ăn không bị dính răng và ngọt thanh không bị ngán. Có thể nói, không chỉ là đặc sản riêng, niềm tự hào của riêng vùng đất thành Nam văn hiến, kẹo Sìu Châu còn là thức quà gắn bó với những gia đình Việt truyền thống. Quả thật không gì thú vị hơn khi được thưởng thức kẹo Sìu bên ấm trà sen ấm nóng cùng với người thân.
Còn gì thú vị bằng ngồi quây quần với gia đình, bạn bè bên ấm trà thơm ngát và cùng thưởng thức thanh kẹo lạc giòn tan, thơm ngậy mùi lạc, mùi vừng. Ảnh Dân Trí |
Với cô Nguyễn Thị Lưu, làm dâu Nam Định gần 40 năm, kẹo Sìu Châu còn món quà biếu tặng tuyệt vời cho bà con phương xa và khách đến chơi nhà: “Ngày nay có rất nhiều loại bánh kẹo ngoại nhập trông rất đẹp mắt nhưng người Việt mình vào dịp đặc biệt trong nhà vẫn phải có những thức quà truyền thống trong đó có kẹo lạc vừng dồi Sìu Châu. Ngoài ra, tôi còn làm quà biếu cho khách quý và gửi ra nước ngoài cho người thân được thưởng thức hương vị quê hương”.
Các cơ sở làm kẹo liên tục đổi mới bao bì mẫu mã để hấp dẫn người mua. |
Mới đây, cùng với món Phở bò, Bún đũa, kẹo Sìu Châu được xếp vào 100 món ngon và thức quà độc đáo của Việt Nam. Theo ông Lê Tân, Thư ký Hiệp hôi văn hóa ẩm thực Việt Nam, thương hiệu kẹo lạc Sìu Châu sẽ được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch ẩm thực nếu biết cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm bắt mắt hơn. Hiện nay, ở dọc các tuyến phố ở Nam Định như Nguyễn Du, Trường Chinh, Minh Khai có rất nhiều cơ sở sản xuất kẹo Sìu với các thương hiệu khác nhau. Giá bán kẹo Sìu rất hợp lý, thường dao động ở mức từ 50 đến 200 nghìn đồng một hộp.