(VOV5) - Đến với vùng đất biên giới Mường Lát, Thanh Hóa, hẳn nhiều người sẽ rất ấn tượng với đặc sản sâu măng.
Những con sâu bóng nhẫy, ngọ nguậy nhìn rùng mình qua bàn tay chế biến của người phụ nữ H'Mông đã trở thành món ăn đặc sản vào mùa lạnh đối với bất cứ du khách nào có dịp ghé qua mảnh đất này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giữa tiết trời se lạnh, khi mà cơn mưa nhấm nhẳng rơi xuống bất ngờ trên núi rừng Mường Thanh thì đâu đó có những người mang gùi vào rừng đi bắt sâu măng. Không khí ẩm ướt khiến sâu măng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Sâu măng là loài sâu sống trên cây măng, phổ biến là măng nứa ở Mường Lát. Tháng 9, tháng 10 dương lịch là mùa săn sâu măng của đồng bào vùng cao. Khi cây măng đã cao quá đầu người cũng là lúc những con sâu vào độ béo nhất. Những cây măng nứa thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u thì biết rằng đây đích thị là nơi trú ngụ của những chú sâu béo nhất. Bắt sâu không khó, nhưng để bắt được nhiều thì khá tốn công. Người bắt sâu phải hạ gục cây măng xuống rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ. Nếu may mắn, một ngày, một người có thể bắt được từ 1 – 1,5 kg sâu măng.
Mùa mưa lạnh về, mâm cơm của dân bản phong phú thêm bởi các món ăn chế biến từ sâu măng như sâu măng om, sâu măng chiên giòn, sâu măng luộc chấm tương… Nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là sâu măng xào. Đĩa sâu măng vàng ruộm, kèm mùi thơm hấp dẫn, vị ngậy, bùi sẽ khiến bạn quên hẳn cái vẻ bề ngoài ghê ghê của nguyên liệu. Sâu măng xào được dùng làm mồi nhậu hoặc ăn với cơm cũng rất hợp. Tuy nhiên không phải ai cũng can đảm để đưa đặc sản đậm chất núi rừng này lên miệng thử. Sâu măng trong bữa ăn ngày lạnh của người dân Mường Lát, Thanh Hóa khiến không ít khách đường xa phải ngần ngại. Cách chế biến món ăn từ sâu măng cũng khá đơn giản, chỉ cần rửa sạch, ướp gia vị. Phi thơm hành, trút sâu măng vào chảo, rồi đảo nhanh tay. Khi sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ đảo đều. Thế là hoàn tất món sâu măng xào lá chanh với hương vị ngậy ngậy, ngọt bùi, thơm thơm rất riêng của loại côn trùng này.
Không chỉ dùng để làm thức ăn, sâu măng còn được dùng để ngâm rượu. Người dân Mường Lát vẫn truyền tai nhau thứ rượu “ông uống bà khen” được ngâm từ sâu măng. Theo đó, sâu măng sau khi được thu lượm về sẽ được phơi sương một đêm, rồi tiếp tục phơi nắng một ngày. Trút vào bình ngâm rượu khoảng một tháng là có thể đem ra sử dụng. Thức uống này rất được người dân bản địa ưa dùng. Nhiều gia đình còn ngâm để dành để uống đến mùa sâu năm sau, khi có khách quý mới đem ra mời.
Nếu được ghé thăm bản Mường xứ Thanh vào mùa mưa lạnh, hãy nhớ thử món ăn đặc sản từ sâu này như lời cảm ơn nồng nhiệt nhất dành cho chủ nhà đã mời bạn thưởng thức thú vui ẩm thực nho nhỏ của miền sơn cước.