(VOV5) - Vào tháng 3, tháng 4 hằng năm, những bông ban tinh khiết- loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc lại nở rộ. Từ hoa ban, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, các mẹ, các chị người Thái nơi đây lại chế biến ra những món ngon đậm đà hương vị Tây Bắc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo những cụ cao tuổi người Thái ở Sơn La, món ăn làm từ hoa ban là một trong những món giải nhiệt mát lành mùa hè. Hoa ban được kết hợp với măng đắng, rau cải hoặc các loại xương, thịt... Các món đều có pha trộn gia vị của dân tộc như mắc khén, tỏi, ớt, sả và các loại rau thơm. Việc pha trộn gia vị trong từng món cũng phải khác nhau thì mới tạo nên hương vị đặc trưng riêng. Bà Lữ Thị Huyền Mai, ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Những cánh hoa ban nó rất đẹp và tinh khiết cho nên tôi cũng nghĩ ra nhiều món ăn ngon dựa trên những gia vị sẵn có của dân tộc như mắc khén, các loại lá thơm. Món ăn từ hoa ban chủ yếu do gia đình mình sáng tạo, ví dụ hoa ban xào măng, nộm hoa ban vơí măng, nộm hoa ban với rau cải. Hoa ban có thể nhồi bụng cá, và hoa còn làm có thể sáng tạo nhiều món canh ngon nữa”.
|
Thịt gà nướng hoa ban - một trong những món ngon của đồng bào Thái Tây Bắc (Ảnh: Hoàng Long) |
Một trong những món ngon làm từ hoa ban được đồng bào Thái rất ưa chuộng là Hoa ban nấu canh măng với xương trâu. Hoa ban được hái từ lúc còn đẫm sương mang về đem rửa sạch để ráo nước. Măng phải chọn củ tươi ngon đem bóc vỏ thái sợi. Và các mẹ, các chị cũng không quên chuẩn bị sẵn bột gạo được giã mịn từ những hạt nếp thơm. Khi đủ các nguyên liệu này, người ta chất củi lửa ninh nhừ xương trâu, rồi nêm gia vị cho vừa đủ, sau đó thả măng đã thái sợi vào nồi. Đến lúc măng gần chín cho bột gạo vào nồi khuấy đều. Khi nồi canh đã quyện, hoa ban được thả vào cho sôi đều, rồi thái thêm hành lá cho dậy hương thơm. Bà Quàng Thị Châu ở bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La cho biết: “ Những người phụ nữ Thái sau khi hái hoa ban về, nhặt lấy cánh và nhuỵ hoa đem rửa sạch, rồi thả sau cùng vào nồi canh, có như vậy cánh hoa khi nấu mới không bị nát. Hoa ban nấu canh măng cùng với xương trâu có vị đắng của măng nhưng lại có cái ngọt của nước xương và sánh thơm của bột gạo nếp, quyện vào đó là vị chát, ngọt bùi của hoa ban tạo nên hương vị rất riêng”.
|
Đĩa nộm hoa ban thơm ngon, hấp dẫn. Ảnh: dulichmocchau.biz |
Để có hoa ban dự trữ ăn quanh năm, khi mùa ban về, người Thái thường xuyên lên nương, ra đồi hái hoa ban để dành. Những giỏ hoa ban đầy chặt sau khi hái về được đem rửa sạch, đồ chín rồi phơi khô để ăn dần. Khi ăn, lấy hoa ban đã phơi khô ra ngâm với nước sôi cho đến khi nở rồi mới chế biến. Nhiều người khi được thưởng thức món ăn từ hoa ban đều có chung nhận xét: Món ăn này rất đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi không quên. Bà Bùi Thị Hạnh, một du khách Hà Nội chia sẻ: “Phụ nữ Thái ở đây rất khéo tay, khéo léo mà cách chế biến từ những bông hoa ban ra các món ăn đặc biệt là hấp dẫn. Và tôi rất là ấn tượng với món nộm hoa ban, ăn vào thì có vị ngọt thanh thanh, vị chua mát rất dễ chịu, cái mùi thơm nhẹ nhàng rồi vị chát của hoa Ban thì khó mà lẫn được với các món ăn khác, khi mà hoà quyện các loại rau, gia vị của người Thái Tây Bắc thì tôi thấy rất là hấp dẫn.”
Qua những ngày tháng ba mưa phùn liu riu, tháng tư vừa chớm, hoa ban đã đầy trong giỏ của những người con gái Thái Sơn La. Vị chát và ngọt bùi trong những món ăn chế biến từ hoa ban càng làm du khách thêm mến yêu mảnh đất Tây Bắc.