Ngày trở lạnh đi ăn món bánh đúc nóng Hà Nội

(VOV5) - Thủ đô Hà Nội đang đón đợt không khí lạnh tăng cường. Thời tiết này dường như là một thời điểm lý tưởng để thưởng thức những món ăn ngon tuyệt.

Ngày trở lạnh đi ăn món bánh đúc nóng Hà Nội - ảnh 1

Nhiều người vẫn cho rằng hàng bánh đúc nóng đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội nằm trên phố Lê Ngọc Hân. Một bát bánh đúc nóng đủ vị thông thường phải có bánh đúc sánh mềm làm từ bột gạo, nhân bánh làm từ thịt xào mộc nhĩ giòn giòn, chan nước xương hầm ngọt dịu, thêm vài cọng rau thơm đủ loại. Là món mới, cũng nhiều người nghi ngại nên khách ăn thoạt tiên chủ yếu là học sinh, sinh viên vì họ trẻ, dễ chấp nhận cái mới. Nó càng hợp hơn với học trò vì món bánh đúc truyền thống chấm tương, lại không phải thứ có thể mở thành hàng quà, để kéo đến vừa ăn vừa tán chuyện. Kéo nhau đến, ăn thử theo mốt, ai thích thì quay lại. Hàng bánh đúc nóng ở Lê Ngọc Hân hồi 1995 gần như ai thích ăn quà cũng phải tạt qua cho biết.


Bán được, nên bánh đúc nóng sau đó được nhân lên rất sớm. Chợ Ngọc Hà ngay sau đó vài tháng đã kịp mở hàng bánh đúc nóng. Bánh ở chợ Ngọc Hà lúc đó được đánh giá là rẻ hơn so với bánh Lê Ngọc Hân. Tuy nhiên, bánh Ngọc Hà vị vôi rõ hơn, nên có người thích có người khó chịu. Tiếp theo, bánh đúc nóng Minh Khai và bánh đúc nóng khu tập thể Trung Tự cũng mở hàng. Bây giờ, ngoài những hàng cố định như thế, các hàng quà vặt online cũng bán bánh đúc nóng. Bánh thịt rau được đóng vào hộp nhựa, kèm theo túi nước chấm. Khách ăn chỉ việc rưới nước chấm vào là có món quà vặt dễ chịu. Bánh đúc nóng cảm giác loãng hơn bánh đúc nguội. Thớ bánh tuy lỏng nhưng vẫn kết dính với nhau. Khi xắn, cảm xác đưa thìa vào thấy hơi dai mà vẫn mềm, dễ chịu. Kết cấu này khiến nước mắm chan vào không làm loãng và vừa bánh. Nó cũng tạo so sánh khi múc thìa bánh lẫn cả thịt xào mộc nhĩ, hành phi và rau mùi. Bánh dẻo mềm, ngấm mắm mặn ngọt, thịt săn và thơm, rau mùi làm tất cả như tươi thêm. Nếu nhà hàng tính đủ độ nước vôi hoặc nước tro, thì những mùi này sẽ quện vào nhau khiến mùi vôi chỉ thoáng qua. Chỉ cần quá tay một chút, mùi vôi sẽ là điều khiến khách ăn khó chịu nhất vì quá nồng.


Một thành phần cũng làm nên bản sắc của món nữa là hành phi. Bánh đúc nóng “từ chối” sự cẩu thả của hành phi làm số lượng lớn bán cân trên chợ Đồng Xuân. Những hàng bánh muốn ngon đều phải tự làm hành. Như thế, vị hành mới giòn đều và không oai. Muốn đủ vị, bánh đúc nóng cần thêm tiêu và ớt bột nữa. Công thức chung là vậy, nhưng các hàng bánh cũng có thêm chiêu. Bánh đúc Lê Ngọc Hân có thêm đậu phụ rán vàng đều. Nhà hàng bớt thịt, thêm đậu phụ vào để bát bánh đỡ ngấy. Bánh đúc ngõ Gốc Đề, Minh Khai lại ninh nước xương để pha nước chấm…


Điều lạ là bánh đúc nóng dường như được “chỉ định” làm quà chiều. Không có hàng bánh đúc nóng nào bán sáng cả. Các hàng thường mở vào lúc 2 giờ chiều, và bán hết trước 6 giờ. Có lẽ kết cấu loãng của bánh đúc nóng là lý do cho điều đó. Nó không thể làm quà sáng được vì không đủ no. Ăn một bát bánh đúc nóng chỉ vừa đủ để thấy dễ chịu vì món xế mà không lo tối về không ăn nổi thêm cái gì. Chính vì thế, hàng bánh đúc nóng ở Trung Tự thậm chí còn bán thêm chè để khách thêm món sau khi đã ăn bánh đúc.


Bánh đúc nóng chắc chắn ăn mùa đông thích hơn mùa nóng. Chỉ cần tưởng tượng, trong cái tiết trời se se lạnh, được ngồi trong một con ngõ nhỏ Hà Nội, ăn một bát bánh đúc nóng thơm ngon, bốc khói nghi ngút mới thấy niềm hạnh phúc cũng thật giản dị làm sao.

Phản hồi

Các tin/bài khác