(VOV5) - Nếu có dịp du lịch đến bản người Thái ở Tây Bắc, du khách đừng quên ít nhất một lần trải nghiệm món ăn đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất hiền hòa và con người mến khách nơi đây.
Nhắc đến ẩm thực Sơn La, mọi người thường nghĩ tới những món ngon như là ốc suối nướng, papinhtop, cá suối vùi gio, xôi đỗ nho nhe, gà xáo bỗng rượu… Thế nhưng, có lẽ không nhiều người biết đến một món ăn rất đặc biệt của người Thái. Đó là món rêu suối (rêu đá). Không biết từ bao giờ, người Thái đã biết vớt rêu từ sông suối để chế biến thành những món khoái khẩu, làm phong phú thêm ẩm thực địa phương. Từ món ăn bình dị, Rêu suối trở thành 1 trong 100 đặc sản ngon nhất Việt Nam. Thức quà được thiên nhiên trao tặng cho vùng đất này có gì hấp dẫn vậy, mời quý vị cùng PV Hà Linh đến thăm bản Phụ Mẫu, ở huyện Chiềng Mai để tìm hiểu và thưởng thức các món ăn chế biến từ rêu đá qua tiết mục Hương vị quê nhà hôm nay.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Ở các con suối, Rêu mọc tự nhiên, có màu xanh xẫm, bám quanh những tảng đá. Rêu có nhiều trong mùa thu đông và vòng đời chỉ khoảng 1 tuần. Khi rêu già sẽ chuyển sang màu trắng không dùng được để chế biến món ăn. Theo cô Hà Thị Thiên ở bản Phụ Mẫu, huyện Chiềng Mai thì việc hái rêu phải biết cách, càng những nơi nào nước suối trong, chảy xiết, sâu chừng đến đầu gối thì rêu càng dài, càng ngon.
“Rêu mọc dưới suối, chỗ nào nước chảy xiết, nước suối trong, rêu mới xanh tốt. Thường là ở những nơi xa người ở, Còn nơi nào nước bẩn tù hoặc nông hơn thì loại rêu này không lấy chế biến món ăn được. Mọi người hái rêu thường dùng tay mò từng nhúm một, rồi vắt nước và nắm vo thành cuộn. Sau khi vớt rêu từ suối về, tiếp đó là công đoạn giặt rêu khá kỳ công, qua nhiều lần nước mới loại bỏ được hết rác, sạn cát bẩn”. Cô Hà Thị Thiên nói,
Rêu sau khi lấy từ suối về, được giặt sạch, vắt khô và nắm thành miếng tròn trước khi chế biến |
Dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, rêu đá có thể làm nên nhiều món ngon như canh rêu, rêu xào tỏi, nộm rêu, rêu nướng. Mỗi món có cách chế biến khác nhau, tùy theo sở thích nhưng đều mang đến hương vị rất đặc trưng là thanh mát, ngọt lành và rất bổ dưỡng.
Canh rêu tươi là món chế biến đơn giản nhất. Rêu làm sạch, cắt thành từng miếng, thả vào nước luộc gà hay xương hầm, nêm nếm gia vị nhạt man mác. Trong tiết trời lạnh, sau chuyến đi bộ xuyên rừng, được thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi, hương vị ngọt mát mới cảm nhận được cái thú ẩm thực tuyệt vời nơi vùng cao Tây Bắc này. Và với những mẻ rêu tươi non, nhà chị Hà Thị Thiên lại thường thích dùng để làm nộm:
“Với món ốp này, sau khi vắt khô, rêu thái nhỏ rồi trộn cùng với gạo tấm ngâm qua cho dẻo quện. Ngon hơn thì cho thêm thịt. Sau đó cho các loại gia vị hành tỏi, xả, gừng và không thể thiếu được mà lá chanh và mắc khén. Nếu không món ăn không dậy mùi vị. Sau đó ốp lá chuối cho lên đồ như đồ xôi, tầm 30 phút đến 1 tiếng. Càng kỹ càng thơm ngon, mà không hề bị nát”.
Món canh rêu thanh mát. Ảnh Viettravel |
Ngoài món rêu xào hay canh rêu, có lẽ, món ngon phổ biến nhất mà người Thái hay làm là rêu ốp lá chuối nướng trên than hoặc vùi trong gio nóng. Món này hấp dẫn, ngon ngậy bởi đa dạng nhiều gia vị hòa quyện thơm rất đặc trưng của hành tỏi, mắc khén.
Các món rêu suối thường được ăn ngay khi còn nóng. Khi thưởng thức, phải từ từ mới cảm nhận được đủ đầy các vị ngọt mềm, trơn, mịn và thơm mát rất đặc trưng của nó.
Trong các mâm cỗ hay bữa ăn thường của người Thái Sơn La, để cân bằng vị và không bị ngấy, các món rêu suối thường được ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn băm gói lá chuối nướng hoặc gà xáo dấm bỗng.... Những gói rêu nóng hổi, vừa mở ra đã nức mùi thơm từ các loại nguyên liệu hòa trộn với nhau.
Anh Tùng Tourist, người trải nghiệm nhiều món ngon Tây Bắc cho biết, rất ấn tượng bởi hương vị lạ miệng và ngon tuyệt của món ăn: “Món này hay lắm. Vị của nó có mùi của nước suối và đá, hơi hăng hăng, bùi bùi lạ lạ rất riêng biệt. Món ăn đó là sự hòa quyện của đất trời. Nếu như người Mông thường sống ở vùng núi cao, thì người Thái Sơn La thường sống dọc theo các con sông dòng suối. Nên món ăn của họ luôn có đặc trưng riêng. Như bạn biết, người Thái nổi tiếng có món cá nướng pa- pỉnh-tộp rồi món ốc suối nướng....”.
Rêu ốp lá chuối (lá rong) nướng trên vỉ than |
Theo các chuyên gia ẩm thực, các món ăn từ rêu không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt mà còn có tác dụng chữa bệnh như giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Còn theo kinh nghiệm dân gian, rêu có tính thanh mát nên có thể trị mụn nhọt, sốt rét, phòng hàn. Rêu chủ yếu là chất xơ, có tác dụng giảm mỡ trong máu, tốt cho tiêu hóa và làm đẹp làn da. Bởi thế, vào mùa rêu đá, không dùng hết bà con thường phơi khô và bảo quản nơi tủ mát.
Vào dịp này, du lịch đến Sơn La, du khách có thể thấy trên các cung đường, bà con người Thái đóng rêu thành bánh tròn, bày bán với giá chừng 10-25 nghìn một miếng.
Rêu suối được nắm thành bánh, bày bán trên các cung đường ở Tây Bắc. Ảnh Viettravel |
Ngoài món pa-pỉnh-tộp, ốc suối nướng, cơm lam, xôi đỗ nhe, xôi ngũ sắc…người Thái Sơn La nói riêng nói chung rất tự hào về món rêu suối. Bởi món ăn này đã được ghi nhận top 100 đặc sản ngon nhất Việt Nam. Vì thế, nếu có dịp du lịch đến bản người Thái ở Tây Bắc, du khách đừng quên ít nhất một lần trải nghiệm món ăn đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất hiền hòa và con người mến khách nơi đây.