Trà sen – vị cổ giữa lòng Hà Nội

(VOV5) - Thăng Long – Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến là nơi kết tinh của nhiều nét đẹp văn hóa cổ, trong đó phải kể đến nghệ thuật thưởng trà. Nổi bật trong đó là trà sen với cách tẩm ướp, chuẩn bị nguyên liệu cũng như cách pha chế công phu. Trà sen không chỉ nổi tiếng trên đất Hà Thành mà còn được những người làm trà trong cả nước và trên thế giới biết đến.

Trà sen – vị cổ giữa lòng Hà Nội - ảnh 1


Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trên con phố mang tên Ngô Tất Tố của Thủ đô Hà Nội, căn nhà mái ngói cổ khiêm tốn nằm sát bên đường mang đậm một phong cách truyền thống của người Việt. Bước vào hiên trà, đúng như tên gọi, kê sát hai bên lối đi là những tủ đựng trà và trà cụ. Với bức tường vôi ve cổ kính, những chiếc mành tre cùng những đồ gỗ cổ được khắc hoa văn cầu kỳ, nơi đây như không gian tách biệt với cái ồn ã, tấp nập của một Hà Nội hiện đại. Đã hơn 8 giờ tối nhưng trong quán gần như vẫn kín chỗ ngồi. Tuy nhiên, không một chút ồn ào, dường như ai cũng ý thức được việc gìn giữ không gian yên bình, trầm lắng nơi đây. 

Một số người thưởng trà đến đây chia sẻ: “Quán trà này rất thân thuộc đối với mình, hàng tuần mình vẫn thường cùng bạn bè đến đây thưởng trà. Quán có rất nhiều loại trà nhưng mình hay uống trà này vì nó thơm và có vị riêng không giống như những loại trà nhúng hay trà ngoài quán.

"Thực sự theo mình thấy thì món trà đó rất thú vị, nó mang lại cảm giác thanh thản, nhấm nháp một chút trà đắng đắng chát chát cảm giác rất thư thái.”.
Trà sen – vị cổ giữa lòng Hà Nội - ảnh 2
Không gan hiên trà Trường Xuân. Ảnh: foody.vn

Đi sâu vào bên trong, đứng bên bộ bàn ghế khảm trai, anh Hoàng Anh Sướng – nghệ nhân trà cũng là chủ nhân của hiên trà Trường Xuân đang pha trà cho khách. Anh lắc nhẹ chiếc ấm gốm màu nâu chỉ to bằng quả quýt có khắc nổi những cành đào vô cùng tinh xảo.

Đó là lần châm trà thứ hai. Thấy sự tò mò của chúng tôi trước trà cụ, anh giải thích:“Một là phải có hỏa lỏ cấp siêu đồng, phải có khay trọng khảm. Ấm pha trà phải đầy đủ các loại ấm: ấm quả quýt dành cho một người uống, ấm đối ẩm dành cho hai người, ấm đại dành cho nhiều người. Về chén uống trà các cụ chia làm hai loại chén: chén tống – chén vuông, to và chén quân. Khi pha trà chín, các cụ thường truyền thẳng ra chén tống rồi từ chén tống truyền ra chén quân – những chén nhỏ uống trà.”

Để ý kĩ, đối với mỗi loại trà cụ, trước khi dùng đều được anh tráng lại bằng nước sôi. Anh Sướng rót trà ra chiếc chén tống to vuông rồi nhẹ nhàng truyền nước trà từ chén tống ra các chén quân. Nước trà màu nâu mật ong dưới ánh đèn lóng lánh như được vẩy thêm những lớp bụi vàng tỏa hương sen thơm ngát. 

Trà sen – vị cổ giữa lòng Hà Nội - ảnh 3
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng. Ảnh:vanhien.vn


Cầm trên tay chiếc hộp gỗ, anh Sướng mở phần giấy bọc. Hiện ra trước mắt chúng tôi là lớp gạo sen trắng muốt dù đã qua mấy tiếng ủ, lấp ló phía dưới là phần lá trà đã được xao khô, từng lớp từng lớp chồng lên nhau vô cùng cầu kỳ.

“Khi ướp gia đình tôi bao giờ cũng dùng một hộp gỗ, ở dưới rải một lớp giấy bản. Sau đó rắc một lớp trà mỏng rồi rắc một lớp hạt sen cứ thế cho đến khi hết trà hết gạo thì thôi rồi ủ kín hộp trà, cứ 2 – 3 tiếng hong một lần. Quy trình sấy phải mất một ngày rồi lại quy trình ướp lần 2 giống lần thứ nhất, thậm chí có những ngày phải ướp đến lần thứ 7. Trung bình một cân trà sen sẽ mất khoảng 1000 – 1400 bông sen.”

Vừa chỉ cho chúng tôi những lớp gạo sen, anh vừa giải thích cách chọn sen. Ở Việt Nam có rất nhiều những cánh đồng sen lớn nhưng riêng anh khi ướp sen chỉ dùng sen của hồ Tây vì bông sen to, hương thơm hơn hẳn so với sen ở vùng khác. Cách pha trà, chọn sen, ướp sen đã cầu kỳ nhưng cách chọn trà còn cầu kỳ hơn nữa.

“Gia đình tôi luôn phải chọn những búp trà Shan Tuyết ngon của Hà Giang. Khi tuyển chọn được búp trà đạt tiêu chuẩn rồi, bắt đầu cho vào một cái chõ, đồ lên để hủy chất tanin– chất tạo nên vị chát trong trà. Bởi các cụ quan niệm rằng uống trà sen thì thưởng thức hương sen là chính chứ không phải vị trà. Khi đồ lên, trà rất ướt, phải cho lên chảo để xao khô rồi đổ vào chum, bịt kín lại để 5-6 năm trước khi ướp với sen. Bởi búp trà Shan Tuyết rất to, càng để lâu búp trà sẽ càng tơi xốp. Búp trà càng tơi xốp thì khi ướp, hương sẽ càng thấm vào bấy nhiêu.”

Cầu kỳ là thế nên trà sen đã trở thành loại trà vô cùng quý giá không chỉ đối với hiên trà Trường Xuân mà còn là niềm tự hào của Hà Nội. Sự công phu, tỉ mỉ trong cách làm trà sen đã khiến những người làm trà trên thế giới phải thán phục, anh Sướng chia sẻ.

“Khi các trà sư của Nhật Bản hoặc Trung Quốc đến đây giao lưu thì họ thường hỏi rất kĩ về trà sen. Rất nhiều người làm trà Trung Quốc nói rằng nếu trà này mà rơi vào tay chúng tôi thì giá nó sẽ không phải là chục triệu đồng như Việt Nam đang bán bây giờ mà có thể lên tới vài trăm triệu đồng.”

Hòa mình trong không gian cổ xưa, chúng tôi nhấp từng ngụm trà ấm nóng, cảm nhận chút chan chát của lá chè, một chút dịu ngọt thanh mát của hương sen nơi cuống họng để rồi hương sen khó phai phảng phất quanh chóp mũi. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với văn hóa trà Việt Nam mà đặc biệt là trà sen, hãy đến với Việt Nam, ghé thăm hiên trà Trường Xuân ở 13 Ngô Tất Tố - Hà Nội để thưởng thức, cảm nhận hương vị trà đặc biệt này.
 

Phản hồi

Các tin/bài khác