Về xứ Quảng ăn cơm ghế mít


(VOV5) - Quê tôi vẫn còn lưu truyền câu ca: “Ai về đất Quảng làm dâu/Ăn cơm ghế mít, hát câu ân tình”.



Ngày ấy quê tôi nghèo xơ xác. Những năm hạn hán, bão lụt gây mùa màng thất bát, người dân quê tôi thường phải ăn khoai, ăn mì, ăn mít… để thay cơm. Cho nên, trong mỗi khu vườn đều có trồng mì, khoai hoặc dăm ba cây mít lấy quả ăn trong những ngày giáp hạt.

Bà ngoại tôi là một “chuyên gia” chế biến quả mít thành những món ăn hấp dẫn như mít non luộc xắt phay chấm mắm ruốc, mắm cái hoặc làm gỏi mít; mít chín ngào gói trong mo cau cất nơi gác bếp là thứ “kẹo dẻo” hoặc là món mít hông rất thơm ngon khiến bọn trẻ chúng tôi luôn mê mẩn. Đặc biệt, món mít già xắt phơi khô để ghế (sáo) cơm là món ăn tuy dân dã nhưng rất hấp dẫn. Bởi vậy quê tôi vẫn còn lưu truyền câu ca: “Ai về đất Quảng làm dâu/Ăn cơm ghế mít, hát câu ân tình”.

Cơm ghế mít.
Cơm ghế mít.

Để làm mít khô ghế cơm, hằng ngày vào đầu mùa hè, cứ vào tầm nửa buổi, bà ngoại tôi đi dạo quanh vườn, khi thì bà chặt cái mụt măng đã lớn, khi thì nhặt mấy tàu cau rụng để làm chổi, khi thì thử những trái mít đã già chưa? Những lúc ấy, tôi lẽo đẽo theo bà. Dừng chân ở một gốc mít sai quả, bà lấy tay vỗ vào da trái mít, nghe tiếng dội, bà biết trái mít ở trong giai đoạn nào mà hái để có món mít khô đạt yêu cầu.

Để làm món mít khô, bà tôi chọn những trái mít già, lấy một cây vọt nhọn đóng vào gần cuống trái mít. Sau đó bà dùng dao xắt chuối gọt dần vỏ quả mít. Gọt cho tới khi lộ ra những múi mít có ẩn hạt mít bên trong và dùng lá chuối khô chùi mủ sạch sẽ. Tiếp đến bà dùng chiếc đũa tre để cạy những hạt mít ra khỏi múi mít và dùng dao xắt mỏng lớp múi mít đã tách hạt và xơ. Bà cần mẫn mang số mít xắt được ra phơi khi nắng tốt. Phơi được 3 ngày, những lát mít đã khô, bà dùng nia để sảy hết những mảnh nhỏ của mít và xơ ra chỉ giữ lại mít khô.

Bà ngoại cho hay, món mít khô này tuy dân dã nhưng muốn có những mẻ “mít ngon” thì phải có bí quyết. Nếu dùng những múi mít vàng sắp chín thì sắp chuyển hoá qua đường, sau này sáo cơm ăn kém ngon, dễ ớn. Cho nên phải “mắt thấy tai nghe” để chọn những quả mít già “đúng đô”. Ngoài ra, khi “chế biến” mít phải chọn thời điểm có nắng tốt mới bảo đảm chất lượng, màu sắc của mít khô.

Muốn nấu một nồi cơm ghế mít thơm ngon, trước tiên, mang mít khô ra rửa sạch để ráo. Nấu cơm (đổ vừa nước) khi gần sôi thì bỏ mít khô vào dùng vá sơ nồi cơm cho đều và chờ khi sôi lại thì hạ lửa. Khoảng 30 phút sau là nồi cơm ghế mít đã chín. Cơm gạo quê ghế mít thơm lừng, ăn bùi bùi với hương vị rất đặc trưng, cơm này ăn với muối đậu, muối mè và nhất là ăn với mắm cái cá cơm thì ngon hết biết.

Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân xứ Quảng cũng khá dần lên, cảnh những nồi cơm ghế mít thơm lừng cũng đã mất dần trong sự ra đi của những người già về bên kia thế giới. Trong đó có lớp người như ngoại của tôi. Và bây giờ, mỗi khi về quê nhìn thấy các bà mẹ quê “xắt mít”, tôi lại nhớ nồi cơm ghế mít thơm lừng ngoại nấu thuở hàn vi. Song, nhớ cơm ghế mít thì ít, nhớ ngoại của tôi thì nhiều. Có lúc hai cái nhớ hoà quyện vào nhau trở thành nỗi nhớ ngoại day dứt, khôn nguôi./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác