Sau 14 năm năm triển khai, công tác bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản đã góp phần không chỉ giáo dục cho cộng đồng trân quý những giá trị lịch sử mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Cây Di sản là niềm tự hào của mỗi làng quê, là báu vật quốc gia là chứng nhân văn hóa làm nên bản sắc Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) , việc gìn giữ và bảo tồn cây Di sản còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang yếu tố tâm linh, bản sắc văn hóa cộng đồng, đồng thời giúp quảng bá du lịch địa phương. Nhân sự kiện, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường ngày 7/4/2024 vừa qua đã trao chứng nhận cho cây nghiến cổ thụ hơn 1000 năm tuổi trên địa bàn xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) là cây Di sản Việt Nam, PV Đài TNVN phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh về nội dung này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, xin ông nói đôi chút biết về “Sáng kiến bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản Việt Nam” do Hội phát động kể từ năm 2010 đến nay. Và, nhân sự kiện, một cây nghiến cổ thụ ở Phúc Yên, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) được bổ sung thêm vào danh sách cây di sản Việt Nam. Thưa ông, để được công nhận là cây Di sản thì cần phải đáp ứng những điều kiện gì?
Ông Nguyễn Ngọc Sinh: Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam được thành lập từ năm 1988, tức là bây giờ cho đến nay là sang năm thứ 36. Trong suốt quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Chúng tôi có rất nhiều hoạt động liên quan đến truyền thông tư vấn, phản biện nghiên cứu khoa học Đặc biệt từ năm 2010, sau khi học tập kinh nghiệm của nhiều nước, cũng như nghiên cứu kỹ truyền thống nền văn hóa rất yêu thiên nhiên, gần gũi với rừng của người dân Việt Nam, Hội chúng tôi đã quyết định phát động sáng kiến “Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản Việt Nam”.Để được công nhận là cây Di sản, chúng tôi phải làm việc với cộng đồng và phải tạo những điều kiện thuận tiện giúp người dân có thể tự đăng ký, đề xuất và tiếp tục bảo vệ cây cổ thụ sau được công nhận là cây di sản.
Chúng tôi chia cây di sản làm hai loại. Một là loại trồng phải có từ 100 năm tuổi trở lên. Còn cây trồng rừng phải từ 200 năm tuổi trở lên có liên quan đến các yếu tố về lịch sử, văn hóa, về tôn giáo về tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội... đáng để chúng ta có thể công nhận cây di sản Việt Nam. Và một loại nữa, tức là những cây có giá trị đặc biệt. Ví dụ như ở các vùng biên giới, biên cương, hải đảo hay liên quan đến Bác Hồ trồng cây… thì đều có thể được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cây Nghiến cổ thụ bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang tại địa bàn xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình vừa gắn biển cây Di sản Việt Nam. Ảnh bao Tuyenquang.vn |
Như hôm nay, chúng tôi có mặt ở đây để trao chứng nhận cho Cây Nghiến hơn nghìn tuổi đứng bên vách núi, ở thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là Cây di sản Việt Nam. Đây là cây cổ thụ đầu tiên của huyên Lâm Bình và cũng là cây nghiến già nhất của tỉnh Tuyên Quang từ trước tới nay được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cây nghiến này đứng cheo leo bên vách đá, có chiều cao hơn 30m và đường kính thân hơn 2 m có bộ rễ rất khổng lồ gây thích thú cho du khách.
Không chỉ ở Phúc Yên, còn rất nhiều cây khác trong xã, trong huyện Lâm Bình đều có thể nói là đạt tiêu chuẩn là cây di sản Việt Nam. Tuy nhiên, người dân phải tự làm hồ sơ, tự đề xuất, đề nghị công nhận thì Hội đồng của chúng tôi, là các tiểu ban kỹ thuật xem xét thủ tục và sau đó Hội đồng gồm 9 người thuộc nhiều lĩnh vực, xem xét rồi trình lên lãnh đạo Hội ký công nhận và cuối cùng là thông báo lại cho địa phương.
TS Nguyễn Ngọc Sinh (giữa-áo trắng) công bố quyết định và trao bằng chứng nhậncây nghiến nghìn năm tuổi là cây Di sản Việt Nam. |
PV: Là niềm tự hào của mỗi địa phương, trải qua bao tiến trình lịch sử, cây di sản vẫn còn có giá trị như thế nào trong đời sống của người dân bản địa, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Sinh: Như các nhà báo và nhiều người đã viết, cây di sản và còn hơn thế nữa. Cây di sản thực chất là gắn bó với truyền thống văn hóa, rất đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Chúng có giá trị lớn về mặt môi trường là đương nhiên đồng thời gắn bó với lịch sử, bản sắc của khu vực.
Bởi thế, chúng có những giá trị rất lớn. Ví dụ như ở một làng quê - những nơi mà trước kia thời kỳ Cách mạng đều là những nơi tụ tập, để các tổ chức các cuộc họp hành, thông qua nghị quyết đặc biệt quan trọng. Hoặc như bây giờ, vị trí có cây cổ thụ thường là những nơi treo cờ, xuất phát để tiễn tân binh đi làm đi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cây di sản liên quan không chỉ đến lịch sử mà còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa địa phương. Là nơi để mỗi người con đi xa tìm về nơi cội nguồn, với quê hương bản quán. Và khi được phong tặng cây di sản người dân càng tự hào và yêu quý cây hơn, người dân mong muốn được gìn giữ, tôn tạo thêm lên để có thể trở thành một điểm tâm linh, điểm du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng của địa phương.
Một cây nghiến khác ở huyện Na Hang, Tuyên Quang được gắn biển cây Di sản VN |
PV: Vâng, có thể thấy thêm nữa là, với đồng bào dân tộc ở vùng núi cao thì nhiều cây cổ thụ còn được gọi những vị thần, thần cây bảo hộ và mang lại cuộc sống ấm no… chẳng hạn như là việc cây nghiến nghìn năm tuổi ở Tuyên Quang - là một điểm đến về thu hút du khách đến Lâm Bình. Chỉnh bởi vậy mà việc gìn giữ cây di sản ngày càng đóng vai trò quan trọng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Sinh: Việc mà dùng cái gọi là các cách biệt về những sự kiện văn hóa, để bảo tồn là nét truyền thống, là một giải pháp rất là tốt của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc miền núi. Người ta, từ xa xưa đã có những phong tục cúng cây, tôn thần cây…
Ở những dịp lễ, Tết, sau khi làm lễ, người ta thường lấy những chỉ đỏ, chỉ vàng… hay những biểu dấu buộc vào các cành cây và gốc cây. Những người được làm việc đó phải có uy tín trong cộng đồng. Họ được coi là sứ giả của thần cây cùng cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ cây và Rừng cây trong suốt cả năm đấy, để đến mùa xuân sang năm vào dịp lễ hội xuân năm mới người ta lại tiếp tục làm như vậy.
Đây cũng chính là một trong những gợi ý quan trọng đã giúp chúng tôi vận động sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam cách đây gần 15 năm. Những nét văn hóa phong phú như vậy cũng chính là những giải pháp rất tốt trong công tác bảo tồn cây di sản, cây cổ thụ Việt Nam. Bởi, cây di sản chính biểu tượng tinh thần vô cùng thiêng liêng, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt cộng đồng. Vì thế, chỉ những những người dân bản địa mới có thể bảo vệ tốt nhất cây di sản thiêng liêng của địa phương mình.
PV: Thưa ông, do có tuổi thọ cao dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bởi sâu bệnh, những cây cổ thụ sau khi được chứng nhận là cây di sản sẽ có những cơ chế chăm sóc “sức khỏe” và bảo vệ đặc biệt như nào?
Ông Nguyễn Ngọc Sinh: Sau khi được công nhận, sẽ rất tốt để gìn giữ, bảo vệ cho cây di sản nói riêng và rất nhiều cây cổ thụ nói chung ở Việt Nam. Sau nhiều vụ việc chặt phá cây rừng càng cho thấy công tác kiểm lâm cần được tăng cường. Chắc chắn rằng, sau khi được công nhận, công tác bảo vệ, chăm sóc giữ gìn cây dừng sẽ được thực hiện tốt hơn. Khi được phong cây Di sản, chính những người dân địa phương sẽ ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ cây, họ làm với tâm thế tự nguyện hơn và những kẻ xấu sẽ không dám làm với cây.
Tuyên Quang là địa phương số lượng cây nghiến nhiều nhất của cả nước.
Ảnh VACNE |
Bởi không chỉ có cơ quan chức năng mà có cả cộng đồng dân làng đứng ra bảo vệ, che chở cho cây. Với Hội của chúng tôi, sau khi thêm vào danh sách cây Di sản Việt Nam, sẽ đưa vào trang website của chúng tôi và các phương tiện truyền thông cho tất cả, cả cộng đồng được biết về câu chuyện lịch sử, văn hóa và những đặc điểm riêng của mỗi loại cây di sản.
Chúng tôi thường xuyên xuất bản tạp chí, cuốn sách về cây di sản, cây cổ thụ Việt Nam. Chúng tôi phân phát cho cộng đồng và quan trọng hơn nữa là cùng với cộng đồng chăm sóc và bảo vệ cho cây. Nếu có sâu bệnh hoặc có vấn đề gì cộng đồng sẽ đề xuất và chúng tôi sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học, các kỹ sư đến để khảo sát để có cách tư vấn chăm sóc sức khỏe cho cây một cách tốt nhất.
Vâng: Một lần nữa, Xin trân trọng cảm ơn Ông.