Chị Hồng Shuranys theo chồng sang định cư tại Israel gần 2 chục năm. Ở đất nước xa xôi với cộng đồng người Việt Nam không phải là đông đúc, nhưng với Hồng, chị luôn nói rằng mình không có cảm giác trống trải. Cùng với tình yêu thương đủ đầy của gia đình, chị còn tự “trang bị” thêm cho mình những tình yêu thương khác nữa, từ những con người Việt Nam ở xung quanh. Cùng với đó là những chuyến đi – về ngày càng trở nên thường xuyên giữa hai nước. Chị Hồng Shuranys sẽ chia sẻ những nội dung này khi tham gia chương trình hôm nay.
Chị Hồng Shuranys và gia đình nhỏ
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào chị Hồng Shuranys. Được biết trong thời gian gần đây các chuyến về Việt Nam của chị ngày càng nhiều?
Chị Hồng Shuranys: Vâng, mấy năm nay tôi về khá nhiều, 4-5 hay đến 6 lần trong một năm.
PV: Chắc hẳn chị nhiều dự án đang triển khai tại Việt Nam phải không?
Chị Hồng Shuranys: Tôi đang có một số dự án, và cũng dự định sẽ triển khai thêm một số dự án nữa. Tôi đã làm du lịch hơn 10 năm rồi, và tôi mong muốn VN và Israel sẽ phát triển mối quan hệ hợp tác tốt hơn. Tôi đang mở rộng thêm mấy mảng như du lịch chữa bệnh, du lịch hợp tác nông nghiệp, và thương mại về nông nghiệp giữa hai nước.
PV: Trong mảng du lịch, dường như còn nhiều thông tin bị bỏ ngỏ khi nói tới du lịch Israel. Theo chị, đâu là những tiềm năng để phát triển trong tương lai?
Chị Hồng Shuranys: Theo tôi thì Israel là nước rất có tiềm năng về du lịch, có nhiều điểm đặc biệt mà trên thế giới không có. Tôi cũng hiểu người Việt Nam mình chưa muốn đến Israel nhiều vì các thông tin có thể không chính xác. Thực ra Israel rất yên bình, khi hậu ôn hòa, con người thân thiện, đi lại dễ dàng, chỉ có vấn đề khó khăn nhất là visa. Khi đến Israel các bạn sẽ thấy rất khác, không hề giống như những gì mọi người vẫn nghĩ.
PV: Là con dâu của một gia đình Israel, chắc chắn là chị sẽ hiểu rõ những điểm khác biệt trong lối sống, cách nghĩ của người Việt Nam và những người dân Israel. Chị có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống của mình, làm thế nào để hòa hợp trong một môi trường khác biệt như thế, và để duy trì hạnh phúc gia đình?
Chị Hồng Shuranys: Theo tôi thấy trong gia đình, người Việt và người Israel có nhiều điểm tương đồng, vì họ cũng sống vì gia đình và rất đoàn kết yêu thương nhau. Tuy nhiên chắc chắn cũng phải có những điểm khác nhau chứ. Bây giờ thì tôi quen rồi, nhưng hồi đầu mới sang thì cũng rất khó để hòa hợp. Tôi may mắn vì có được người chồng hiểu mình, và gia đình chồng rất tâm lý. Vì vậy tôi hòa nhập rất nhanh, dù văn hóa khác nhau nhưng tôi cũng cố gắng tìm cách để hòa hợp, người này nhường người kia một chút là sẽ hợp nhau thôi. Tất nhiên không dám nói là hạnh phúc 100% nhưng tôi nghĩ 80% cũng là điều rất tốt rồi. Tôi cũng cố gắng đạt được 80% như thế để tìm kiếm hạnh phúc của mình nơi xa xứ.
PV: Như chị vừa chia sẻ, quả thực để có một gia đình hạnh phúc không phải là điều dễ dàng, nhất là trong một gia đình Việt Nam – Israel. Chị lại là một doanh nhân trong lĩnh vực du lịch, rất hay vắng nhà. Chắc hẳn chồng chị phải là một hậu phương vững chắc, và phải có được sự đồng thuận của anh ấy để chị phát triển công việc của mình?
Chị Hồng Shuranys: Vâng, tôi cũng thường nói vui là anh ấy là hậu phương còn tôi là người bay nhảy. Phải có hậu phương vững chắc thì tôi mới có những chuyến đi đầy thú vị và phát triển công việc của mình. Lẽ thường người ta hay nói vợ hi sinh để cho chồng phát triển, nhưng ở nhà tôi thì chồng lại hi sinh để vợ được vui. Lúc nào anh ấy cũng nói rằng nếu em hạnh phúc thì anh hạnh phúc. Tôi thấy thật may mắn vì có được người chồng toàn diện.
PV: Đó quả thực là những lời ngọt ngào dành cho nhau. Vậy còn các con của chị thì nghĩ thế nào khi mẹ thường xuyên vắng nhà, một năm về Việt Nam đến 5 – 6 lần, và mỗi lần thì ở lại cũng chừng 1 tháng?
Chị Hồng Shuranys: Con trai lớn của tôi thì không có thắc mắc gì, nhưng còn cậu em thì lâu lâu cũng hỏi mẹ, nhưng tôi đã dạy con tự lập từ bé, và các con đều hiểu tôi đi cũng vì công việc. Con trai lớn của tôi học hành rất bận vì cùng lúc học 2 trường, dù mới 16 tuổi đang học phổ thông nhưng cháu cũng được đặc cách vào Đại học, giờ đã là năm thứ 3 Đại học Tel Aviv chuyên toán, lý, máy tính. Cậu em bắt đầu vào lớp 1, và tôi cũng tự hào vì con khi cháu được cô giáo nhận xét là học giỏi, thông minh và rất thân thiện với bạn bè. Tôi tự thấy mình có gia đình hạnh phúc (cười).
PV: Tôi cũng chắc điều đó rồi vì hạnh phúc thì chị mới có thể về Việt Nam nhiều đến thế, và mọi người có ủng hộ thì công việc của chị mới suôn sẻ như vậy. Việt Nam là quê hương, nhưng chắc hẳn sẽ còn những gì hơn thế nữa để khiến chị về liên tục như vậy?
Chị Hồng Shuranys: Vâng, đúng là có nhiều điều khiến tôi trở về. Đầu tiên, Việt Nam là quê hương, và tôi muốn lui về nhiều hơn với cha mẹ khi cha mẹ tôi còn khỏe. Thứ hai, anh Nadav chồng tôi rất yêu Việt Nam, và anh ấy muốn sau này khi về hưu thì sẽ sống ở Việt Nam, trên chính quê hương Quảng Trị của tôi. Tôi mong rằng chồng tôi sẽ luôn hiểu và đạt được tâm nguyện đó. Để chuẩn bị cho một tương lai như thế thì cần những sự chuẩn bị, sắp đặt từ bây giờ. Hy vọng Việt Nam sẽ mở cửa hơn nữa để không riêng các kiều bào mà cả những người như chồng tôi là rể ngoại quốc, có thể có quốc tịch Việt Nam. Mặc dù bây giờ đã có visa 5 năm rồi, nhưng vẫn cứ phải 3 tháng xin 1 lần.
PV: Bây giờ đã là năm mới Kỷ Hợi, và chị vẫn ngồi đây để trò chuyện với chúng tôi, trên đất nước Việt Nam. Anh Nadav và 2 cậu con trai ở nhà nghĩ như thế nào về đất nước Việt Nam?
Chị Hồng Shuranys: Tất cả những ngày lễ của Việt Nam chồng tôi đều lưu vào máy điện thoại của mình. Nếu không về Việt Nam thì dịp này cả nhà tôi cũng đến thăm, chúc tết họ hàng, rồi ra đón tết cùng Đại sứ quán, cũng được lì xì, nên các con cũng biết về tết cổ truyền của Việt Nam. Chồng con tôi đều hiểu ngày Tết nguyên đán là rất quan trọng đối với người Việt Nam nên không bao giờ anh ấy bắt vợ phải ở Israel. Anh ấy còn động viên tôi về Việt Nam ăn Tết, và tôi nghĩ rằng lúc này chồng con tôi cũng đang rất hạnh phúc ở đó.
PV: Vâng, xin cảm ơn những lời chia sẻ của chị, và xin chúc chị cùng gia đình một năm mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.