(VOV5) - Chăm lo lợi ích là "chất kết dính" để người lao động đến sinh hoạt bền vững cùng tổ chức công đoàn Việt Nam.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ ngày 24-26/9 là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho sự phát triển mới của tổ chức Công đoàn. Trước thềm diễn ra Đại hội, PV Đài TNVN phỏng vấn ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng,Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về một số kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua cũng như mục tiêu phấn đấu cho kỳ nhiệm tới.
Nghe âm thanh phỏng vấn tai đây:
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
PV: Thưa ông, một trong những kết quả mà tổ chức Công đoàn Việt Nam làm tốt trong nhiệm kỳ qua là tập trung đại diện bảo vệ đoàn viên người lao động, thể hiện ở việc ký kết nhiều thỏa ước lao động tập thể. Vậy, ở góc độ chăm lo lợi ích phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, ông đánh giá như thế nào về chương trình này.?
Ông Bùi Văn Cường: Hoạt động chăm lo đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới bước đầu đã phát huy hiệu quả, thể hiện ở mấy hoạt động sau. Trước hết, chúng tôi triển khai chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, Năm vì lợi ích công đoàn lần đầu tiên được tổ chức cũng như các hoạt động của Tháng công nhân, Tết sum vầy, Mái ấm công đoàn và nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa khác đã góp phần nâng tầm hiệu quả, góp phần thiết thực chăm lo hỗ trợ cuộc sống người lao động. Trong 5 năm qua, Tổng Liên đoàn cũng có 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng chính sách pháp luật, chăm lo người lao động. Chúng tôi cũng tích cực tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất tăng 55,5 % tiền lương tối thiểu vùng, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể cũng như giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động. Trong 5 năm qua đã ký được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ.
Bên cạnh tổ chức các Hội nghị lớn, trong 3 năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đề xuất, tham mưu với Thủ tướng chính phủ tổ chức 4 lần diễn đàn đối thoại với công nhân lao động. Và tại Đại hội này, chúng tôi cũng đề xuất một Diễn đàn để trên cơ sở đó, công đoàn đồng hành với Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Trong tham mưu này, chúng tôi đề xuất với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đi thăm hỏi động viên công nhân vào các dịp lễ tết, qua đó góp phần tạo sự lan tỏa, động lực mới cho người lao động hăng hái thi đua góp phần phát triển đất nước đặc biệt trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
PV: Có được những kết quả đó hẳn là nhờ một phần lớn nhờ vào nỗ lực đổi mới về phương thức hoạt động của công đoàn các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua, thưa Ông,
Ông Bùi Văn Cường: Hoạt động thanh kiểm tra, giám sát của công đoàn các cấp có chuyển biến tích cực, công tác tư vấn pháp luật được quan tâm với nhiều hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên và có nhiều cái đổi mới góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công đoàn phối hợp chặt chẽ với các cấp bộ ngành trong việc sử dụng người lao động, tham mưu giải quyết hiệu quả những tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể hoặc đình công góp phần xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa trong doanh nghiệp. Đó là những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua về chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.
PV: Thưa ông. không chỉ tạo sự kết nối tốt với các tổ chức công đoàn trong nước ở các cấp, Công đoàn Việt Nam còn là thành viên có trách nhiệm của các Tổ chức công đoàn quốc tế. Nhiệm kỳ qua, Công đoàn Việt Nam đã tạo dựng được vị thế như thế nào trong hoạt động của các tổ chức này.?
Ông Bùi Văn Cường: Công đoàn Việt Nam đang giữ cương vị Phó chủ tịch của Liên hiệp Công đoàn thế giới và là thành viên có trách nhiệm của Tổng công đoàn quốc tế, 1 trong hai tổ chức công đoàn lớn của quốc tế. Công đoàn Việt Nam luôn được đánh giá cao trong hoạt động cũng như sự tham gia của mình. Những sáng kiến,đề xuất về đổi mới hoạt động của Liên hiệp công đoàn thế giới của chúng ta đều được đưa vào nghị quyết của các Hội nghị thường niên Hội đồng chủ tịch. Việt Nam đã đăng cai nhiều hội nghị quốc tế, các Diễn đàn về bình đẳng giới, lao động nhập cư, đổi mới hoạt động...để các nước trong khu vực và thế giới trao đổi kinh nghiệm. Đối với Tổ chức Lao động quốc tế ILO, hàng năm VN tham gia phát biểu tại Hội nghị Genveve và chúng ta có tiếng nói thuyết phục về các đề xuất, kiến nghị liên quan đến quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, việc làm bền vững, bình đẳng giới. Điều đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Liên đoàn Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tăng cường ngoại giao nhân dân đồng hành với ngoại giao của Đảng và Nhà nước.
PV: Xin ông cho biết những nhiệm vụ tổng quát cũng như mục tiêu mang tính đột phá của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018-2023 tới ?
Ông Bùi Văn Cường: Chúng tôi đặt ra phương châm, chủ trương tập trung mục tiêu nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi ích người lao động, cải thiện đời sống, tuyên truyền, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi…cho người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh... xây dựng đội ngũ công đoàn bản lĩnh trí tuệ, chuyên nghiệp, tập hợp thu hút đông đảo người lao động và xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh... Từ mục tiêu tổng quát đó, chúng tôi đưa ra 9 nhóm chỉ tiêu phấn đấu và 10 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong đó có những giải pháp cần thực hiện với 3 khâu đột phá. Thứ nhất là đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện bảo vệ người lao động. Thứ hai là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhât là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Và thứ 3 là xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đó là 3 khâu đột phá cần tập trung thực hiện để tạo sự chuyển biến của tổ chức công đoàn Việt Nam ở giai đoạn mới. Trong đó, khâu đột phá thứ nhất là đổi mới phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích, đại diện bảo vệ được xem là bước ngoặt nhằm tạo ra sức hút với người lao động với tổ chức công đoàn Việt Nam. Người lao động đến với tổ chức có được lợi ích và chăm lo lợi ích là "chất kết dính" để họ đến, hoạt động, sinh hoạt bền vững cùng tổ chức công đoàn Việt Nam.
PV: Cảm ơn Ông và xin chúc cho Đại hội Công đoàn 12 thành công tốt đẹp.