Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Global Vietnam Business Festival 2025 với chủ đề "Chuyển đổi Xanh và Chuyển đổi Số", Học viện HaMy Academy (Vương quốc Anh) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC - Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp GVB Prize 2025. Đây được xem là cơ hội vàng để các ý tưởng sáng tạo trẻ của Việt Nam có thể vươn ra thế giới, trong bối cảnh các xu hướng chuyển đổi Xanh và số hóa ngày càng được chú trọng. Tham gia sân chơi khởi nghiệp này, các start- up trẻ người Việt sẽ được thể hiện tài năng, khám phá cơ hội gọi vốn và mở rộng mạng lưới kết nối. Chị Phạm Hà My, sáng lập Học viện Academy tại Vương quốc Anh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Với vai trò là trưởng ban tổ chức của GVB Prize 2025 xin chị cho biết, từ đâu mà chị có ý tưởng ra đời cuộc thi nay?
Phạm Hà My: GVBFest ra đời từ mong muốn tạo ra một nền tảng kết nối mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên toàn cầu. Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, tôi tin rằng Việt Nam không chỉ là một phần của dòng chảy kinh tế thế giới mà còn có thể vươn lên, khẳng định vị thế của mình.
Phạm Hà My (ngoài cùng trái) tham gia Xuân Quê hương 2025 ở Đại sứ quán Việt Nam ở Vương Quốc Anh. Ảnh nvcc |
GVBFest chính là cầu nối để doanh nghiệp Việt kết nối với thị trường quốc tế, thúc đẩy hợp tác và mở rộng cơ hội kinh doanh. Sự kiện này không chỉ nhằm quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt Nam ra thế giới mà còn hướng đến việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm giữa các doanh nhân, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Tôi muốn GVBFest trở thành nơi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng nhau tìm ra những giải pháp phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng “Kỷ nguyên xanh” mà thế giới đang hướng tới.
Với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, các tổ chức kinh tế, chính phủ, đại diện từ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và nhiều đối tác quốc tế, GVBFest không chỉ là một sự kiện, mà là một phong trào thúc đẩy thương hiệu Việt, giúp các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh của Việt Nam tỏa sáng trên thị trường toàn cầu.
Cuộc thi GVB Prize 2025 ra đời từ chính khát vọng của tôi – một người luôn mong muốn nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam, đưa các sản phẩm, doanh nghiệp Việt vươn xa trên thị trường quốc tế. Tôi tin rằng, để làm được điều đó, chúng ta cần một sân chơi thực sự dành cho những người trẻ tài năng, tham vọng – nơi họ có thể thử sức, phát triển, kết nối và chinh phục những cơ hội lớn.
PV: Chủ đề cuộc thi cũng phù hợp với xu thế hiện nay. Thông điệp mà Ban tổ chức muốn gửi đến thông qua cuộc thi là gì?
Phạm Hà My: GVB Prize 2025 không chỉ là một cuộc thi khởi nghiệp, mà còn là một sứ mệnh nhằm thúc đẩy hai xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam: Chuyển đổi xanh – Hướng đến phát triển bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội. Chuyển đổi số – Ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh và mở rộng thị trường toàn cầu.
Cuộc thi đang thu hút sự quan tâm của các start-up trẻ người Việt. |
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, GVB Prize mong muốn tìm kiếm và hỗ trợ những startup có tiềm năng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng khai thác sức mạnh của công nghệ số và kinh tế xanh để đưa thương hiệu Việt vươn xa.Ươm mầm thế hệ doanh nhân mới – Hỗ trợ các startup trẻ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, cố vấn từ chuyên gia và kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Thúc đẩy chuyển đổi xanh & chuyển đổi số - Khuyến khích mô hình kinh doanh bền vững, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động và phát triển dài hạn.
Mở rộng cơ hội hội nhập quốc tế – Đưa các dự án startup Việt đến gần hơn với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn và thị trường toàn cầu. Đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam – Hỗ trợ các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng xanh và nền kinh tế số. Khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo – Tạo động lực để thế hệ trẻ mạnh dạn thử sức, tiên phong trong việc áp dụng những xu hướng kinh doanh mới.
PV: Có thể thấy là, BTC đặt nhiều kỳ vọng cho cuộc thi. Vì cuộc thi hội tụ những bạn trẻ Việt tham gia trên quy mô toàn cầu. Vậy, từ lúc triển khai đến nay, với chị đâu là vấn đề khó khăn, thử thách nhất?
Phạm Hà My: Ban đầu, khi lên ý tưởng tổ chức GVBFest, đội ngũ sáng lập chỉ muốn tập trung vào các doanh nghiệp, tạo ra một không gian kết nối và hợp tác giữa các công ty Việt Nam trên toàn cầu. Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng các sân chơi về kinh doanh, thương mại cần có sự góp mặt của những bạn trẻ tài năng – những người sẽ mang đến làn gió mới, sự sáng tạo và khát vọng thay đổi.
Dù rất hào hứng khi bắt tay vào thực hiện, tôi sớm nhận ra hàng loạt thách thức phía trước, đặc biệt tại châu Âu chưa có hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho người Việt. Tôi đã nghĩ đến việc rút lại ý tưởng tổ chức cuộc thi, thay vào đó xây dựng một nền tảng kết nối startup và nhà đầu tư.
Cuộc thi có sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong vai trò là cố vấn, giám khảo và mentors. |
Theo cách đó, các startups có thể tự lo kinh phí tham dự tại Anh và chủ động kêu gọi vốn, giúp tôi giảm bớt gánh nặng tìm kiếm thí sinh, gây quỹ giải thưởng hay quy tụ đội ngũ mentor. Nhưng rồi, sáng hôm sau khi thức dậy, tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi nhận ra rằng, mình có cơ hội để giúp đỡ startup, có thể tạo ra một sân chơi ý nghĩa, được cống hiến cho đất nước mình, vậy mà lại chọn con đường dễ dàng hơn. Sau khi tôi tham dự một sự kiện của VN-UK Network. Tôi gặp gỡ một vài bạn trẻ, và chỉ qua vài lời động viên đơn giản rằng họ sẽ giúp tôi chia sẻ thông tin về cuộc thi, tôi đã tìm lại được quyết tâm của mình. Tôi hiểu rằng: nếu tôi tin vào GVB Prize, những người khác cũng sẽ tin tưởng và đồng hành cùng tôi.
Vì vậy, tôi chấp nhận rằng công tác tổ chức sẽ phức tạp hơn, nhiều thử thách hơn, từ việc Tìm kiếm đội ngũ mentors, hội đồng cố vấn chuyên môn. Xây dựng mạng lưới đối tác. Truyền thông rộng rãi – để những bạn trẻ tài năng trên toàn thế giới biết đến cuộc thi và có cơ hội tham gia. Gây quỹ giải thưởng cho Top 3 cuộc thi – một trong những thử thách khó khăn nhất Nhân đây, tôi mong muốn tất cả các bạn thí sinh, các tổ chức, doanh nghiệp có thể hiểu được nguyện vọng, tâm huyết của tôi, cũng như các khó khăn của GVB Prize. Đây không chỉ là một cuộc thi, mà là một cơ hội thực sự để start-up Việt Nam vươn ra thế giới. Tôi hy vọng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ tất cả mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp tài trợ giải thưởng, để cùng nhau tạo nên một sân chơi ý nghĩa và mang lại giá trị thiết thực cho thế hệ khởi nghiệp trẻ.
PV: Để cuộc thi thành công không thể nhắc đến vai trò quan trọng của Ban cố vấn, giám khảo và đội ngũ hướng dẫn. Hãy nói chút về họ?
Phạm Hà My: GVB Prize 2025 quy tụ một đội ngũ Ban Giám Khảo uy tín, giàu kinh nghiệm, đến từ các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế. Không chỉ đánh giá dự án theo tiêu chí sáng tạo, cuộc thi còn tập trung vào tính khả thi, tiềm năng thị trường, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số – những yếu tố cốt lõi giúp startup phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Hội đồng cố vấn chuyên môn và Giám khảo đến từ Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia, thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ, một đơn vị quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cố vấn cấp cao – Ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, Chủ tịch HUB Network, mạng lưới hỗ trợ startup toàn cầu, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu là PGS. TS Hoàng Xiêm – Giảng viên Đại học Công nghệ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đoàn Hải Nam – Principal tại ThinkZone Ventures, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Việt Nam. Nguyễn Thức Khoa – Doanh nhân trẻ xuất sắc từng lọt vào danh sách Forbes Under 30, có nhiều kinh nghiệm xây dựng startup từ giai đoạn đầu. Lương Ngô Ngọc Mai – Quản lý Đối tác tại EduSpaze, chương trình tăng tốc khởi nghiệp hàng đầu về công nghệ giáo dục tại Singapore.
Cùng với đó: GVB Prize 2025 có sự tham gia của các mentor giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, tài chính, đến gọi vốn đầu tư. Các cố vấn không chỉ hướng dẫn đội thi về chiến lược phát triển mà còn giúp họ tiếp cận mạng lưới nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế. Những mentors nổi bật như Phillip An – Đồng sáng lập Homebase, startup bất động sản công nghệ từng gọi vốn thành công 30 triệu USD. Hùng Nguyễn – chuyên gia tài chính, từng làm việc tại các công ty tài chính lớn, với kinh nghiệm sâu rộng về quản lý quỹ đầu tư và chiến lược kinh doanh. Tiến sĩ Daniel Dao - chuyên gia tài chính với chứng chỉ CFA, một trong những chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới về tư vấn tài chính và đầu tư. Nguyễn Quang- Giám đốc Sunrise Technology, một công ty công nghệ phát triển giải pháp số cho doanh nghiệp. Tất cả cùng mong muốn tìm kiếm những start-up có tiềm năng phát triển dài hạn, không chỉ có ý tưởng tốt mà còn có tính thực tiễn khả thi và phù hợp với xu hướng chuyển đổi Xanh và chuyển đổi số hiện nay. Và họ cũng muốn hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm giúp các dự án khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà có thể mở rộng quy mô và phát triển trên thị trường thực tế.
PV: Xin cảm ơn Hà My và chúc cuộc thi thành công tốt đẹp.