Bắt đầu từ chương trình Khởi sự kinh doanh năm 2008, rồi đến Chương trình khởi nghiệp chính thức được phát động 2016, đến nay đã có 11 câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp được hình thành, hơn 8000 cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam được tập huấn để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp tới cấp xã, ở các vùng nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam |
Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về câu chuyện khởi nghiệp trong giới trẻ thời gian qua.
Phóng viên (PV): Thưa chị Thu Vân, khởi nguồn của câu chuyện khởi nghiệp mà Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đề ra trong mấy năm vừa qua bắt đầu từ đâu?
Chị Nguyễn Thu Vân: Vâng! Cảm ơn anh. Việc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tham gia vào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bắt đầu từ năm 2008. Lúc bấy giờ thì cụm từ thanh niên khởi nghiệp chưa nhiều như hiện nay, mà lúc đó, mọi người quan tâm đến Chương trình khởi sự kinh doanh. Và sau đó, bắt đầu từ năm 2016, khi mà Thủ tướng Chính phủ dự Ngày hội quốc gia khởi nghiệp và chính thức phát động chương trình này, cũng như giao cho tổ chức thanh niên trực tiếp làm thường trực, phải hỗ trợ thanh niên để có thể khởi nghiệp được thì câu chuyện truyền thông về việc khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hay là mọi người vẫn gọi là startup được quan tâm nhiều hơn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cũng thiết kế nhiều chương trình để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp và chú trọng đến startup hơn. Tuy nhiên, cũng chia sẻ với mọi người là hiện nay chúng ta đang chú trọng nhiều đến khởi nghiệp (startup). Đối với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ của mình là tập hợp đoàn kết rộng rãi thanh niên, thực hiện chương trình này, chúng tôi chia ra làm hai mảng. Mảng thứ nhất là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và thứ hai là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo.
PV: Từ khởi sự kinh doanh đến khởi nghiệp thì trải qua những bước như thế nào? Có những thay đổi gì từ khởi sự kinh doanh đến năm 2016, khi Thủ tướng Chính phủ nêu ra vấn đề khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam?
Chị Nguyễn Thu Vân: Thực ra, lúc đầu khi nhận thức chung của chúng ta là mong muốn xây dựng được nhiều doanh nghiệp trong cả nước. Thì khởi sự kinh doanh là mong muốn, thúc đẩy và khuyến khích các bạn thanh niên không nhất thiết là phải đi vào cơ quan nhà nước, mà hãy tìm cho mình một ngành nghề, một lĩnh vực, một niềm yêu thích để có thể trở thành một nhà kinh doanh một lĩnh vực đó. Và lúc đó, thì chúng tôi chỉ tập trung cơ bản là đào tạo quản trị doanh nghiệp.
Nhưng khi mà xu thế chung của xã hội thay đổi, như mọi người vẫn hay nghe là phát triển công nghiệp 4.0, thì việc khởi nghiệp đã được thay đổi. Có nghĩa là khởi sự kinh doanh sẽ là giai đoạn hai của khởi nghiệp. Còn lúc đó, các bạn trẻ có thể khởi nghiệp bằng cách các bạn đưa ra rất nhiều ý tưởng và các bạn buôn bán chính ý tưởng của mình, chứ không phải buôn bán sản phẩm giống như khởi sự kinh doanh. Vì vậy, việc hỗ trợ khởi nghiệp chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là hoàn thiện ý tưởng và giai đoạn thứ hai là kinh doanh thì khởi sự kinh doanh được đưa vào giai đoạn thứ hai.
|
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam được Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ làm thường trực Chương trình thanh niên khởi nghiệp. Thực hiện chương trình này thì Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tham gia tất cả các khâu, đoạn. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã ban hành chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ năm 2016 - 2021, đồng thời hướng dẫn cho các tỉnh đoàn, thành đoàn, nơi trực tiếp tiếp cận với thanh niên để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng các đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Và hiện nay trên cả nước, đã có hơn 40 tỉnh đã ban hành được đề án đó, có 11 tỉnh ban hành được quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cho thanh niên khởi nghiệp vay vốn. Có những tỉnh thì cho vay không lãi, có những tỉnh thì đầu tư, có những tỉnh cho vay với mức lãi suất chỉ khoảng 1-2%. Có điểm rất mới là các quỹ của cấp tỉnh bây gờ đã lan đến cấp huyện và cấp xã. Và ở hai cấp này, các bạn thanh niên tự huy động nguồn vốn để hoạt động. Trong đó, nhiều bạn đã được vay vốn, giờ có kết dư rồi thì cũng đóng góp vào nguồn quỹ đó để triển khai cho mọi người vay để có thể khởi nghiệp được.
Thứ hai nữa là Hội Liên hiệp Thanh niên đã tập trung đẩy mạnh truyền thông, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam để xây dựng chương trình quốc gia khởi nghiệp, hàng ngày phát 5 phút chương trình vào lúc chào buổi sáng và 20 phút vào Thứ 6 hàng tuần.
Thứ ba nữa là tập trung vào kết nối: kết nối với các tổ chức để tư vấn, hỗ trợ và đào tạo cho thanh niên khởi nghiệp; kết nối các tổ chức đang điều hành các quỹ đầu tư.
Và đặc biệt là Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam có Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Chúng tôi đã chỉ đạo Hội doanh nhân trẻ Việt Nam thành lập câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp. Đến nay đã có 11 câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp được hình thành. Câu lạc bộ này tập hợp các doanh nhân khởi nghiệp thành công, và bây giờ, các bạn đi khắp các tỉnh để hỗ trợ cho những thanh niên khởi nghiệp. Hệ thống chuyên gia của chúng tôi cũng đã tư vấn rất tốt cho thanh niên khởi nghiệp và hệ thống cán bộ Hội được chúng tôi đào tạo, tập huấn. Tháng tư vừa rồi, chúng tôi có triển khai tập huấn diện rộng về khởi nghiệp, về quy trình hỗ trợ một thanh niên khởi nghiệp, các bước hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Rồi triển khai để thông báo cho toàn bộ hệ thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam biết được rằng, nếu một thanh niên muốn tìm nguồn vốn thì tìm ở đâu, muốn bán sản phẩm thì bán ở đâu, hay là muốn hỗ trợ về mặt tư pháp thì tìm đến đâu.
Chúng tôi đã tập huấn cho hơn 8000 cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp và ngày 10/7, chúng tôi đã tập huấn cho nhóm chuyên hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn để có thể giúp cho các bạn ứng dụng công nghệ cao đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng được những sản phẩm nông sản giá trị cũng như xây dựng được thị trường mua bán nông sản mà chúng ta không phải phụ thuộc vào các nhà thu mua truyền thống hay thương lái nữa. Và chúng ta cũng không còn phụ thuộc và giao dịch ở trong nước nữa. Hy vọng là khi mạng lưới này vận hành tốt thì chúng ta sẽ không phải giải cứu nông sản nữa.
PV: Như vừa rồi chị cho biết thì Hệ thống khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nêu ra và đã thực hiện, thì thời điểm này, đã có thể gần tiếp cận đến cấp xã rồi. Qua thực hiện những chương trình tư vấn, hỗ trợ và tiếp cận đến thanh niên Việt Nam, chị thấy việc ra đời đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đáp ứng như thế nào nhu cầu của thanh niên Việt Nam trong lập thân, lập nghiệp?
Chị Nguyễn Thu Vân: Theo như đánh giá của tôi thì việc Thủ tướng phát động xây dựng Chương trình Quốc gia khởi nghiệp và những chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cực kỳ kịp thời. Nó phù hợp với xu thế phát triển của thanh niên thế giới nói chung và của thanh niên Việt Nam nói riêng. Thứ hai, là nó đã góp phần làm cho thanh niên cũng thấy được rằng mình cần phải sáng tạo và cần phải lao động một cách tích cực, tích lũy nhiều và phấn đấu nhiều thì chúng ta mới xây dựng được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nó khắc phục được tình trạng thanh niên lười lao động, thiếu rèn luyện, thiếu tu trí. Và ít nhất thì kết quả hiện nay cho thấy rằng, cả đất nước đều đánh giá là khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Thanh niên cả nước đều hiểu rằng, muốn làm gì thì làm, cần phải học tập, cần phải tích lũy kiến thức và phải khởi nghiệp, phải xây dựng cho mình một sự nghiệp. Điều đó tôi đánh giá là sự tích cực. Thứ hai nữa là các nguồn vốn, các nguồn quỹ của nước ngoài đã bắt đầu về Việt Nam, một phần đã bắt đầu huy động được những nguồn tiền dư thừa của nhân dân mang ra đầu tư cho khởi nghiệp và đây trở thành một kệnh đầu tư mới rất hiệu quả. Và rõ rang, khi các sản phẩm khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo được mang ra thị trường thì người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng với giá thành rẻ và tiện ích nhiều hơn trước đây.
|
PV: Vâng, theo đánh giá của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chương tình khởi nghiệp tác động như thế nào đến giới trẻ?
Chị Nguyễn Thu Vân: Chúng tôi thấy rằng đề án tác động đến hai mặt. Mặt thứ nhất là giúp cho giới trẻ năng động hơn, chủ động sáng tạo hơn và chăm chỉ hơn. Mặt thứ hai, giới trẻ chúng ta có một bộ phận chưa nhìn rộng ra ngoài thế giới xung quanh mình. Qua chương trình khởi nghiệp này, khi các bạn nhìn thấy những người xung quanh mình từ những ý tường rất bình thường, bình dị, nhưng đã tạo ra sản phẩm và đã mang lại nguồn thu cho những bạn bè của mình, thì các bạn cũng phải thức tỉnh, nhìn nhận lại mình. Có một điều nữa, trong hệ thống tổ chức của chúng tôi nhận thấy là khi triển khai chương trình thanh niên khởi nghiệp thì chúng thấy rõ là kỹ năng của thanh niên Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề kinh tế là còn thiếu, còn yếu và chúng ta cần phải tập trung hơn nữa.
PV: Cái khó của chương trình thanh niên khởi nghiệp gặp phải đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay qua thực tiễn thực hiện chương trình chị thấy ở những điểm nào?
Chị Nguyễn Thu Vân: Tôi thấy là hiện nay cả nước vào cuộc, tất cả các cấp bộ, ngành, rồi các tỉnh thành, các cơ quan đều vào cuộc, đều hỗ trợ chương trình khởi nghiệp. Cứ nói đến hỗ trợ khởi nghiệp thì đều được ưu ái. Nhưng mà thanh niên vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ chính nội tại của mình. Trước đây, chúng ta thường quan niệm cứ khởi nghiệp là cần vốn, thiếu vốn, nhưng đến nay, vốn thì không thiếu nếu các bạn có những ý tưởng tốt và có những dự án kinh doanh tốt. Những kỹ năng để thực hiện ý tưởng thành dự án, từ dự án thành sản phẩm của thanh niên chúng ta vẫn còn rất là yếu. Nhiều bạn không thể tự thuyết minh được ý tưởng của mình để thuyết phục các nhà đầu tư. Còn tiền thì nếu như chúng ta có một ý tưởng tốt, một lộ trình tốt thì chúng ta sẽ có tiền. Điều thứ hai nữa là các bạn thiếu thông tin. Tức là các bạn đã rõ ràng con đường đi của mình rồi nhưng các bạn không biết rằng chúng ta phải tìm sự hỗ trợ ở đâu và sản phẩm khi ra thì chúng ta bán ở đâu. Hay là việc tổng hợp kiến thức và tự nghiên cứu của các bạn trẻ cũng còn rất là yếu. Các bạn cũng chưa biết được những quy định về những sản phẩm của mình chịu những ràng buộc gì, có được phép đưa ra thị trường hay không và điều này nhiều khi làm thanh niên hoang mang. Tôi lấy ví dụ như vừa rồi, rất nhiều nhóm khởi nghiệp của chúng ta nghiên cứu về blockchain. Nhưng đôi khi các bạn không rõ ràng, rành mạch được giữa blockchain và tiền điện tử. Nên các bạn cứ nghĩa rằng nó là như nhau, và nhà nhà nước cấm. Nhưng hoàn toàn không phải là như thế. Đây là một công cụ rất là tốt và hiện nay đã bắt đầu được ứng dụng nhiều.
Cái khó nữa là các bạn không có bài toán, tức là những nhóm thanh niên khởi nghiệp tập hợp lại với nhau trên mạng xã hội thì các bạn có nhiều giải pháp nhưng các bạn không có bài toán. Khi chúng tôi trao đổi thì các bạn nói rằng là việc khó của đất nước hiện nay, khó của doanh nghiệp hiện nay bọn em giải quyết được, thậm chí có những thứ chúng tôi trao đổi, chúng tôi trăn trở, cùng với nhiều doanh nghiệp nữa trăn trở rất nhiều năm nhưng các bạn giải quyết có 5 ngày bằng những kiến thức và giải pháp mà các bạn đang sở hữu.
PV: Có nghĩa là việc đào tạo, tư vấn của các cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là các chuyên gia đối với thanh niên của Việt Nam còn phải đặt ra rất nhiều?
Chị Nguyễn Thu Vân: Đúng thế, thanh niên chúng ta thì kiến thức có, nhưng gắn kết kiến thức đấy lại thì chưa có. Việc đào tạo của chúng ta chuyên sâu về từng mảng thì tốt, nhưng liên kết từng mảng đấy vào việc gì trong quá trình khởi nghiệp lại chưa tốt. Nhiều vấn đề chúng ta cần nhìn nhận, cần đánh giá và cần hệ thống để hỗ trợ cho thanh niên một cách tốt nhất và có sản phẩm khởi nghiệp một cách tốt nhất.
PV: Như vừa rồi chị cho biết là Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đang có hướng mở ra, nhân rộng chương trình hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp ở khu vực nông thôn. Vấn đề của nông thôn hiện nay từ đời sống xã hội cũng như từ đặt ra nhiều thứ như sản phẩm của nông thôn đôi khi không đáp ứng được yêu cầu, còn nhân lực của nông thôn lại không ở quê mà đi kiếm việc ở nơi khác. Mong muốn của đề án đặt ra đối với khu vực nông thôn Việt Nam với rất nhiều khu vực địa hình khác nhau, vùng miền khác nhau như thế nào?
Chị Nguyễn Thu Vân: Ở đây chúng ta sẽ phải bàn tới nguyên nhân một chút. Thứ nhất, như anh nói đúng, nhân lực của nông thôn không ở quê mà lại đi các nơi khác để làm ăn. Lý do tại sao các bạn phải đi, bởi vì ở quê các bạn không sống được. Cái thứ hai là sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu, nhưng yêu cầu như thế nào các bạn không có thông tin. Các bạn sản xuất dựa trên thói quen và đặc biệt kỹ năng trong việc đánh giá có nên làm sản phẩm này hay không thì không hề được dạy và định hướng. Ví dụ, thấy nhà này trồng cam tốt thì nhà kia sẽ trồng cam, và nhà kia nữa sẽ trồng cam. Thậm chí, xã này trồng tốt thì xã kia cũng trồng, dẫn đến việc là vài năm đầu giá cao, nhưng sau đó nguồn cung vượt quá nhiều so với nhu cầu thì dẫn đến tình trạng rớt giá, rồi phải giải cứu vì không tiêu thụ được. Đấy là những cái khó của thanh niên nông thôn hiện nay mà khi làm việc với các bạn thì chúng tôi nhận thấy. Tôi đi khảo sát nhiều. Tôi luôn luôn đặt ra câu hỏi cho thanh niên là buổi tối các bạn làm gì? Thì các bạn nói rằng buổi tối ở nông thôn thì không có gì cả, chỉ lên facebook. Tôi hỏi lên fcebook để làm gì thì các bạn chỉ biết là nói chuyện với các bạn thôi. Còn việc sử dụng Internet cho nghiên cứu các quy trình, nghiên cứu ứng dụng mới là rất ít thấy. Trong khi các bạn cứ nghĩ rằng sản xuất ra là không bán được, nhưng ở thành phố thì đâu có được những sản phẩm quê, những sản phẩm sạch. Và chúng ta đang phải chi trả một cái giá rất đắt với sản phẩm chưa hẳn là sạch.
PV: Trong khởi nghiệp thì hiện nay chúng ta cũng đã tận dụng được mạng xã hội rồi, đã có những nhóm để chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có phương thức nào đấy để thông qua mạng xã hội, thông qua những diễn đàn rất sôi nổi hiện nay để đưa phong trào khởi nghiệp đến thanh niên nói chung, đặc biệt là ở khu vực nông thôn?
Chị Nguyễn Thu Vân: Cảm ơn anh đã đặt ra câu hỏi này. Đây là câu hỏi mà chúng tôi đã tìm câu trả lời và đến bây giờ rất mong muốn được thông báo rộng rãi câu trả lời của chúng tôi đến với cả nước để có thể hưởng ứng được chuyện đấy.
Như tôi đã phân tích là thanh niên nông thôn ít tìm hiểu thông tin hoặc sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Chúng tôi đưa ra giải pháp, hiện nay Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam có thế mạnh là có ở bốn cấp và nhà nước trả lương cho cán bộ hội nên chúng tôi sẽ phải làm việc để hỗ trợ cho thanh niên. Đó là trách nhiệm của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Hiện nay chúng tôi dùng giải pháp kết nối thanh niên thông qua chatbook và kết nối đến tận chi hội trưởng chi hội thanh niên, tức là các bạn ấy chỉ có trong tay khoảng 10 thanh niên thôi. Như vậy, hiện nay cả nước có khoảng hơn 100.000 chi hội thanh niên. Chúng tôi đã tập huấn sâu cho nhiều khu vực về khai một tờ khai về nông sản trong một tháng tới ở đia phương, các bạn dự kiến là bán bao nhiêu tấn sản phẩm, giá bao nhiêu tiền và đầu mối cung cấp ở đâu? Hàng ngày chúng ta nhìn trên bản đồ nosan.com tức là nông sản.com thì chúng ta thấy là ngay hôm nay trên cả nước có bao nhiêu sản phẩm nông sản đang bán và bán với giá từ bao nhiêu đến bao nhiêu. Cộng thêm việc nữa là Hội liên hiệp Thanh niên có Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các nhà doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông sản sẽ nhìn vào đấy để chủ động đặt và mua trực tiếp sản phẩm với bà con nông dân, và từ đó tạo được kênh kết nối giữa người mua với người bán mà người mua có thể chủ động đặt hàng các tiêu chuẩn đối với người bán và người bán có thể sản xuất dựa trên hợp đồng của người mua.
PV: Cảm ơn chị Thu Vân với những thông tin rất là mới, thời sự về đề án khởi nghiệp mà Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức trong hai năm vừa qua. Những thông tin ấy rất bổ ích với thính giả Đài TNVN, với thanh niên Việt Nam. Hy vọng rằng, trong thời gian tới thì phong trào khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam thông qua Hội Liên hiệp thanh niên sẽ phát triển ở cả bốn cấp và tạo đà không chỉ giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp mà còn giúp phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Cảm ơn chị rất nhiều đã tham dự chương trình của Đài TNVN.