Hình ảnh một “Việt Nam mới“: Chủ động, tự tin trong đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA)

(VOV5) - Điểm nhấn được ghi nhận từ các FTA thế hệ mới là nhiều nội dung, điều khoản hướng tới cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả hai bên tham gia. 

Năm 2020 được đánh giá là một năm thành công của Việt Nam trong hội nhập, trong đó riêng đối với lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư phải kể đến việc thực thi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) từ tháng 8/2020; ký kết “siêu hiệp định” RCEP - Hiệp định đối tác toàn diện khu vực giữa Việt Nam với ASEAN và các đối tác của ASEAN vào ngày 15/11/2020; ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) ngày 29/12/2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Hình ảnh một “Việt Nam mới“: Chủ động, tự tin trong đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Đến nay, Việt Nam đã ký kết thành công 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới tiêu chuẩn chất lượng cao. Điểm nhấn được ghi nhận từ các FTA thế hệ mới là nhiều nội dung, điều khoản hướng tới cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả hai bên tham gia. Phóng viên Nguyên Long phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về lợi ích từ các FTA này: 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

PV: Thưa Bộ trưởng, trước tiên, xin Bộ trưởng đánh giá về cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đối với nền kinh tế Việt Nam?      

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước tiên phải nói rằng Việt Nam đã thực thi các chiến lược hội nhập của Đảng một cách rất chủ động và rất có hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các đoàn đàm phán của Chính phủ, các bộ, ngành tham gia vào đàm phán và ký kết thành công tính tới nay là 17 hiệp định thương mại tự do cả thế hệ mới và thế hệ cũ. 3 hiệp định thương mại tự do khác đang tiếp tục đàm phán và dự kiến cũng sẽ sớm được ký kết. Việc ký kết và tham gia 17 hiệp định này có những cơ hội rất lớn trong hội nhập với thương mại và kinh tế quốc tế, và sẽ tạo nền tảng để hội nhập trong các lĩnh vực khác thành công theo đúng quan điểm của Đảng.

PV: Xin Bộ trưởng thông tin cụ thể về những lợi ích mà doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta được hưởng từ các hiệp định thương mại tự do này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thứ nhất, với việc cắt giảm thuế quan rộng và sâu trong tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định mà chúng ta mới ký thì cơ hội cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của ViệtNam trong việc tiếp cận và phát triển bền vững ở tất cả các thị trường mới này là rất lớn. Bởi vì, tất cả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đều chứa đựng những ưu đãi về cắt giảm thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam ngay từ những năm đầu tiên với quy mô rất lớn.

Ví dụ, với Hiệp định EVFTA thì có tới 70% dòng thuế được cắt giảm về 0-5% ngay khi có hiệu lực. Trong vòng 7 năm có tới hơn 97% các sản phẩm được cắt giảm thuế. Điều đó cho thấy các cơ hội cho chúng ta để cạnh tranh có hiệu quả hơn đối với các đối tác khác ở thị trường này là rất lớn, và rất cơ bản. Và chính vì vậy thì quy mô của nền kinh tế và năng lực của hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam chắc chắn sẽ được phát triển rất nhanh và rất bền vững nếu chúng ta khai thác tốt và tổ chức thực thi tốt các hiệp định thương mại tự do này.

Thứ hai, với một quy mô rất rộng lớn của các khu vực thị trường mà chúng ta liên kết thông qua các FTA này, những điều kiện trong các Chương và các điều khoản cam kết, từ việc Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho đến mở cửa thị trường dịch vụ, trong các hoạt động mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử… thì nó có đủ dư địa và các điều kiện để DN Việt Nam, nhất là DNNVV có thể tái cấu trúc lại để khai thác các cơ hội của các FTA này và tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới trong không gian kinh tế thương mại này.

Đặc biệt, với những thuận lợi và hấp dẫn của Việt Nam khi tham gia vào các FTA này thì làn sóng đầu tư của các DN nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể hấp thụ được những công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, những công nghệ nguồn, nguồn tín dụng rất cần thiết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của nền kinh tế cũng như những điều kiện cải thiện đời sống của nhân dân.

PV: Và rõ ràng, một vị thế Việt Nam cũng đã được khẳng định thông qua ký kết và thực thi các hiệp định này, thưa Bộ trưởng?       

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do này cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thực thi các cải cách mà chúng ta đã có định hướng và chiến lược trong suốt giai đoạn phát triển trước, nhưng nay ở những yêu cầu mới, trong các khung khổ hội nhập mà chúng ta ký kết thì chúng ta sẽ phải thực thi ở tốc độ nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Một điểm nữa mà chúng tôi cũng cho rằng rất có ý nghĩa, đó là bằng việc chúng ta ký kết một cách chủ động vào các khuôn khổ hội nhập mới, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì Việt Nam đã cùng với các quốc gia tham gia đóng góp rất lớn cho việc củng cố, phát triển hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh các cạnh tranh địa chính trị đang lan rộng ở các khu vực khác nhau trên thế giới, và đồng hành bên cạnh đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng đang có xu hướng phát triển. Và vì vậy, những quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp như Việt Nam sẽ có lợi ích rất lớn về một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ được củng cố và phát triển. Đây cũng là cơ hội để cho chúng ta bảo vệ có hiệu quả những lợi ích quốc gia bình đẳng vào hệ thống thương mại quốc tế cũng như để bảo vệ những lợi ích tối thượng của quốc gia, của nền kinh tế và của nhân dân.

Thông qua ký kết các FTA này Việt Nam cũng đã thể hiện được vai trò, hình ảnh, uy tín mới của mình, từ chỗ là quốc gia tham gia trong khung khổ hội nhập trước kia như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hay AFTA của ASEAN thì giờ đây chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia dẫn dắt trong các khung khổ hội nhập và đưa các hiệp định thương mại tự do đa biên này đến thành công.

Có thể nói, thông qua việc ký kết các hiệp định này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của DNVN sẽ được cải thiện rất rõ nét, đặc biệt là tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu của DNVN sẽ không những được định hình, được khẳng định mà sẽ còn được phát triển và được đảm bảo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác