(VOV5) - Theo phân tích cụ thể của ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020, so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8%, do ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) bùng phát và tiếp theo là các tác động giảm mạnh về cầu hiện vẫn đang diễn ra tại các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Ảnh minh họa: Internet |
Tuy nhiên, cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch Covid-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo Triển Vọng Phát Triển Châu Á (ADO 2020) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 03/04.
Theo phân tích cụ thể của ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020, so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn lây lan virus dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất cho dù có những khó khăn trong thời gian đầu. Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ do cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu giảm, và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ, khu vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch, giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý I/2020.
ADB dự báo nếu đại dịch Covid-19 được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn. Các động lực tăng trưởng trong thời gian tới đó là: tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động; môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện; số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường, sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại. Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc khống chế được dịch COVID-19, và việc phục hồi tăng trưởng trở lại của Trung Quốc, sẽ góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu.