(VOV5) - Đây là một hội thảo lớn về kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt trực tuyến trong cộng đồng người Việt tại các nước.
Một sự kiện lớn về dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trên thế giới, diễn ra vào ngày 27/6 tại Ba Lan. Đó là hội thảo trực tuyến Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài do trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm cũng như các giải pháp hữu ích cho việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở các nước. Ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường Tiếng Việt Lạc Long Quân, Trưởng ban tổ chức Hội thảo trả lời phỏng vấn VOV5 về sự kiện này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch hội đồng trường Tiếng Việt Lạc Long Quân. |
PV: Thưa ông Lê Xuân Lâm, có thể nói một hội thảo về dạy và học tiếng Việt trên khắp thế giới trong hoàn cảnh bình thường cũng đã là điều có ý nghĩa, nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì càng đáng trân trọng hơn. Việc khởi nguồn của hội thảo này bắt đầu từ đâu?
Ông Lê Xuân Lâm: Khi đại dịch covid 19 diễn ra trên thế giới ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động của con người, đặc biệt là trong hoạt động giáo dục, trường Tiếng Việt Lạc Long Quân chuyển sang một hình thức mới là giảng dạy trực tuyến và cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi muốn qua hội thảo này để học hỏi kinh nghiệm, làm sao duy trì và tiếp tục phát triển trường tiếng Việt, và cũng để áp dụng khoa học công nghệ vào việc giảng dạy tiếng Việt có thuận lợi hơn, thu hút đựợc học sinh vào học nhiều hơn nữa.
Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân đón tiếp đoàn "Quỹ học bổng Vừ A Dính " và Câu lạc bộ " Vì Trường Sa - Hoàng Sa thân yêu" từ trong nước sang thăm. - Ảnh: Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân. |
PV: Những nội dung chính đề cập trong hội thảo là gì thưa ông?
Ông Lê Xuân Lâm: Chủ đề hội thảo lần này tập trung vào mấy vấn đề: Thứ nhất là nội dung của chương rình giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Việc dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài hoàn toàn là một môn phụ, và các em học hoàn toàn tự nguyện, cho nên làm thế nào để có nội dung chương trình phù hợp với hoàn cảnh của các em ở nước sở tại là điều rất quan trọng. Khác với trong nước, việc dạy học tiếng Việt hầu hết được tổ chức vào cuối tuần, nên cần tìm ra chương trình phù hợp nhất.
Thứ hai, chúng tôi muốn trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cả trực tuyến và không trực tuyến. Việc giảng dạy truyền thống như học sinh đến trường, như cách dạy truyền thống trước đây thì đã có nhiều hội thảo Nhưng việc dạy bằng hình thức trực tuyến là mới, nên chúng tôi cần học hỏi kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến.
Thứ ba, là áp dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Việt. Rõ ràng điều này có những cái mới, vì khoa học công nghệ phát triển rất nhanh. Qua hội thảo, chúng tôi có thể tiếp nhận những kinh nghiệm quý báu từ các nước khác.
Điểm cuối cùng, chúng tôi cũng muốn qua hội thảo này mọi người chía sẻ thông tin về tình hình dạy và học tiếng Việt từ nhiều nước trên thế giới.
PV: Mục tiêu mà hội thảo muốn hướng tới?
Ông Lê Xuân Lâm: Đầu tiên là chúng tôi muốn học hỏi kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt ở các nước khác, nhằm nâng cao việc giảng dạy, học tập tiếng Việt tại Ba Lan, sao cho có hiệu quả và thu hút được đông đảo học sinh, con em người Việt Nam tại Ba Lan. Con em người Việt ở đây cũng rất đông, nhưng trường chúng tôi hàng năm cũng chỉ khoảng 150 học sinh, tỉ lệ vẫn còn thấp. Vì vậy chúng tôi muốn hướng tới việc làm thế nào, qua hội thảo, để có được kinh nghiệm thu hút học sinh học đông đảo hơn nữa.
Qua buổi hội thảo này, chúng tôi cũng mở rộng quan hệ, giao lưu với những nước khác đã từng giảng dạy lâu năm, có nhiều kinh nghiệm.
Và quan trọng nhất cũng là một dịp góp phần vào việc quảng bá, giữ gìn văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt ở nước ngoài. Vì ngôn ngữ Việt là một di sản vô giá của dân tộc Việt Nam.
Một giờ học tiếng Việt. - Ảnh: Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân |
PV: Trường Lạc Long Quân là một trong những trường tiếng Việt đi đầu và hoạt động bài bản tại Ba Lan cũng như khu vực Đông Âu. Là một người làm quản lý lâu năm cho hoạt động của trường, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì trong việc dạy và học tiếng Việt ?
Ông Lê Xuân Lâm: Yếu tố đầu tiên vẫn là con người. Chúng tôi đã tìm và chọn những giáo viên, mà tốt nhất là những người đã từng qua công tác giảng dạy. Hầu hết họ là những người có chuyên môn, và quan trọng nhất là yêu nghề, tâm huyết với việc giảng dạy để góp phần giữ gìn tiếng Việt cho con em trong cộng đồng.
Đối tượng thứ hai mà chúng tôi luôn quan tâm là phụ huynh học sinh. Bởi vì nếu phụ huynh không động viên các cháu đến trường, không đưa đón hoặc không tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các cháu học thì việc tổ chức lớp học cho các cháu sẽ rất khó khăn.
Một lớp học tiếng Việt - Ảnh: Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân |
Và nhân tố thứ ba là học sinh. Học sinh ở nước ngoài các cháu còn bé, hầu hết sinh ra ở bên này, và đều mang phong cách, suy nghĩ ảnh hưởng của (văn hóa) nước ngoài. Như vậy mình phải cố gắng hiểu tâm lý các cháu, không gò ép mà phải có cách để các cháu dần dần tự giác gây sự hứng thú thích học tiếng Việt, từ chỗ bố mẹ bắt đến trường, nhưng rồi dần dần các cháu cũng gắn bó với bạn bè, đồng hương, gắn bó với cộng đồng. Rồi từ đấy có những cháu trở nên rất thích đến trường tiếng Việt. Đấy là điểm cơ bản.
Cần phải tổ chức những buổi ngoại khóa giao lưu với các cháu, chẳng hạn như ngày lễ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, hoặc trong dịp hè thì tổ chức những trại hè chỉ dùng tiếng Việt. Qua đấy chúng tôi cũng có thể bổ sung thêm những kiến thức về tiếng Việt, về văn hóa Việt, gây dựng cho các cháu thêm tình yêu với quê hương, đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông.