Phóng viên: Thưa ông, Tổ chức Không gian văn hóa Việt tại CHLB Đức đã ra đời đến nay được hơn 10 năm. Giai đoạn khởi đầu tổ chức này được hình thành như thế nào?
Ông Lê Xuân Đính: Rất vinh dự hôm nay từ Đức về được đến Đài TNVN để trao đổi về hoạt động của tổ chức Không gian văn hóa Việt tại CHLB Đức. Tổ chức của chúng tôi đã ra đời được hơn 10 năm, xuất phát từ ý muốn của cộng đồng. Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ hơn 10 anh em, đón tiếp đoàn công tác từ Việt Nam sang. Trong buổi làm việc đó, chúng tôi đã nghe báo cáo của các hội đoàn về những hoạt động thiết thực, bà con vẫn luôn nhớ đến quê hương thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ. Ngay cả các thế hệ sinh ra và lớn lên ở CHLB Đức cũng hiểu về quê hương, các cháu hát tiếng Việt rất tốt. Với niềm yêu quê hương đất nước, đoàn cán bộ từ Việt Nam sang cùng với chúng tôi đã thống nhất thành lập Chương trình Không gian văn hóa Việt Nam tại CHLB Đức, nhằm mục đích quy tụ tất cả các hội đoàn, với số lượng thành viên chừng 160.000 người. Chúng tôi đã kết hợp trong một tổ chức quy mô, và thống nhất với nhau hàng năm sẽ tổ chức một ngày hội diễn văn hóa văn nghệ. Bên cạnh đó, chừng 50-60 hội đoàn thì vẫn tổ chức 1-2 chương trình mỗi năm. Ý tưởng của chúng tôi không ngoài mục đích hướng về quê mẹ. Chúng tôi xa nhà đã lâu, và các chương trình như vậy cũng thể hiện tấm lòng yêu quê hương đất nước của những người con xa xứ.
Chương trình Giai điệu quê hương do Không gian văn hóa Việt tại CHLB Đức tổ chức |
Phóng viên: Thời gian qua, Không gian văn hóa Việt tại CHLB Đức tuy chưa thực sự có quá nhiều hoạt động nhưng đã ghi dấu ấn, đáp ứng nhu cầu về văn hóa văn nghệ của cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức. Bên cạnh đó, Không gian văn hóa Việt tại CHLB Đức sẽ mở rộng tiếp hoạt động như thế nào để làm phong phú thêm sinh hoạt văn hóa văn nghệ nơi xa xứ, thưa ông?
Ông Lê Xuân Đính: nhân dịp đầu năm mới vừa qua, Ban tổ chức cũng như cộng đồng đã có buổi gặp mặt với sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN VN tại CHLB Đức Vũ Quang Minh, với hàm Thứ trưởng Bộ ngoại giao. Khi chúng tôi đưa ra đề án hoạt động nhân dịp kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Đức – Việt (1975 – 2025), Đại sứ đã rất ủng hộ.
Thứ nhất, Ban tổ chức và tôi đã đồng tác giả sáng tác được một vở chèo với tên “Đức Việt tình sử ca”. Khi viết vở chèo này, tôi đã đặt một cái tên khác, nhưng sau đó Đại sứ Vũ Quang Minh có góp ý là tìm cái tên sao cho mềm mại và đi đúng vấn đề nói lên lịch sử, vì vậy chúng tôi đã đổi tên là “Đức Việt tình sử ca”.
Thứ hai, chúng tôi dự định sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác và biểu diễn các bài dân ca tại CHLB Đức, với sự giúp đỡ của Đài TNVN về mặt chuyên môn như nhạc lý, kỹ thuật hát...
Đại sứ Vũ Quang Minh (thứ ba từ phải) dự buổi gặp mặt với các thành viên của Không gian văn hóa Việt tại CHLB Đức |
Thứ ba, cũng là điều mà chúng tôi thấy cần nhất, tập trung vào thế hệ thứ 2, thứ 3. Chúng tôi sẽ kết hợp vào buổi biểu diễn chung của cộng đồng, nhưng dành riêng cho các cháu một khoảng thời gian để biểu diễn những bài hát về quê hương. Theo kinh nghiệm chúng tôi đã từng tổ chức rất thành công, các cháu đã hát những ca khúc về Đảng, về Bác Hồ rất hay.
Chúng tôi đã báo cáo với Đại sứ Vũ Quang Minh về những nội dung này, và cũng khẳng định rằng cần có sự hỗ trợ của Đài TNVN. Chính cuộc thi Kiều bào hát dân ca mà Đài TNVN tổ chức hồi năm ngoái đã làm cho chúng tôi thấy rằng quê hương không quên mình, luôn trân trọng những người con xa xứ.
Phóng viên: Có thể thấy những chương trình rất tâm huyết mà Ban tổ chức và Trưởng ban Lê Xuân Đính đã dành cho văn hóa Việt, dành cho sự giao lưu văn hóa giữa CHLB Đức và Việt Nam. Tôi muốn tìm hiểu thêm về vở chèo “Đức Việt tình sử ca”, ông đã xây dựng vở chèo này như thế nào?
Ông Lê Xuân Đính: Làn này tôi đã trực tiếp về Việt Nam, và làm việc với anh Nguyễn Sỹ Sang là người có kinh nghiệm viết chèo, để cùng tôi làm cho tốt. Tôi gọi đây là “tình sử ca”, bởi vì nội dung vở chèo có cốt truyện từ cuộc tình giữa một sinh viên Việt Nam và một phụ nữ Đức. Đứa con của hai người khi lớn lên đã tìm đến với cộng đồng người Việt, học tiếng Việt và biết hát tiếng Việt. Khi ra trường, cháu là một bác sỹ, cũng là lúc xảy ra dịch bệnh tại Việt Nam. Cháu đã gắn bó với đội ngũ ngành y để vận động nhân dân Đức viện trợ cho Việt Nam 10 triệu liều vaccine. Cháu muốn về Việt Nam để đi thăm các vùng sâu vùng sa, vùng hải đảo của quê hương, cùng với đoàn kiều bào đi làm từ thiện.
Các em nhỏ hát những bài hát về quê hương Việt Nam |
Đó là cốt truyện như vậy, bên cạnh đó tôi cũng xem xét đến những thành tích mà cộng đồng đã làm được trong hơn 20 năm qua. Cộng đồng đã có nhiều chương trình hướng về quê nhà như quyên góp mua xuồng cao tốc để vận chuyền hậu cần ra ngoài đảo, ủng hộ lũ lụt nơi quê nhà, xây cầu ở những vùng khó khăn, dựng các ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ mổ tim cho các bệnh nhi, tài trợ xe lăn cho người già bị tai biến... Hành trình ra thăm đảo của người con Đức – Việt cũng thể hiện niềm vinh dự của một kiều bào được ra thăm quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Và nội dung nổi bật nhất vẫn là muốn nói lên mối quan hệ tốt đẹp 50 năm qua giữa Việt Nam và CHLB Đức. Chúng tôi rất mong Đài TNVN và Bộ Văn hóa sẽ giúp để các câu thoại, lời hát trong vở chèo có ý nghĩa hơn, và cũng là để ghi nhận tấm lòng của bà con ở Đức với quê hương đất nước.
Phóng viên: Vâng xin cảm ơn ông, và xin chúc cho những chương trình của Không gian văn hóa Việt tại CHLB Đức sẽ phong phú hơn, hiệu quả hơn, mang lại những cảm nhận ý nghĩa cho tất cả chúng ta!