Chuỗi sự kiện thuộc chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 18 - năm 2022 vừa khai mạc vào ngày 25/7, do Hội Gặp gỡ Việt Nam - ICISE phối hợp cùng Ban tổ chức quốc tế (gồm Viện nghiên cứu Flatiron, Đại học California Santa Cruz, Mỹ; Viện Nghiên cứu vật lý thiên văn Pháp; Tổ chức nghiên cứu RIKEN, Nhật Bản vv ...) tổ chức.
Trong chuỗi sự kiện gồm hội thảo khoa học quốc tế "Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân và tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin" và "Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi" 2022; còn có cuộc ra mắt nhóm Vật lý thiên văn văn tại Gặp gỡ Việt Nam do Quỹ Simons (Mỹ) tài trợ, gọi tắt là nhóm SAGI. Đây là nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn lần đầu tiên được thành lập tại Bình Định, được sự hỗ trợ, dẫn dắt của các nhà khoa học gốc Việt: Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, ở NASA – Hoa Kỳ; Tiến sĩ Hoàng Chí Thiêm ở Viện khoa học Không gian và Vũ trụ khoa học Hàn Quốc và Tiến sĩ Nguyễn Lương Quang, ở Đại học American.
Nhân sự kiện này, VOV5 phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, nhà khoa học gốc Việt từ NASA.
Nhà khoa học gốc Việt,Tiến sĩ vật lý thiên văn Nguyễn Trọng Hiền (bên trái) tại ICISE |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, anh đã nhiều lần trở về tham gia các cuộc Gặp gỡ Việt Nam. Những hoạt động tại Gặp gỡ Việt Nam của anh lần này là gì? Và theo anh tại Gặp gỡ Việt Nam lần này có gì đáng chú ý?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền: Tôi về Gặp gỡ Việt Nam lần này để giới thiệu về nhóm SAGI, tên viết tắt của Simons Astronomy Group at ICISE, có nghĩa là Nhóm Vật lý thiên văn Simons tại Trung tâm Khoa học liên ngành của anh Trần Thanh Vân ở Quy Nhơn. Cũng một phần để tham dự chương trình hội thảo do anh Hoàng Chí Thiêm, một thành viên của nhóm SAGI đứng ra tổ chức. Chương trình này có tên là Bụi vũ trụ.
Thật ra đề tài về bụi vũ trụ không phải là chuyên môn của tôi. Tôi đến để tham dự như một người học hỏi thêm. Nhưng trong cái nhìn rất riêng biệt của mình, thì tôi rất thích thú với những phát kiến mới về sự liên hệ giữa các tia vũ trụ và cái tính gọi là trái hay phải của các sinh vật - Chẳng hạn như là có người thì thuận tay trái, người thì thuận tay phải (cái này tiếng Anh gọi là parity, tiếng Việt tôi không biết rõ như thế nào), các sinh vật có một số chức năng; và gần đây người ta thấy những chức năng này có mối liên hệ trực tiếp từ các tia vũ trụ. Tôi nghĩ đây là kết quả khá là thú vị.
Việc hình thành cũng như mục tiêu phát triển của nhóm SAGI là như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền: Mục đích chính của SAGI là thúc đẩy và hỗ trợ các nghiên cứu thiên văn của các nhà thiên văn trong nước thông qua các hợp tác nghiên cứu với các nhà thiên văn quốc tế. Qua quá trình hợp tác này, chúng tôi cũng mong sẽ đào tạo được một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu trẻ cho Việt Nam. Và để họ có thể bắt kịp được với trào lưu phát triển của thiên văn thế giới.
Về lâu dài, ước mong của chúng tôi SAGI sẽ là nơi gặp gỡ cho các bạn trẻ, các nhà thiên văn người Việt, các nhà khoa học người Việt bên nước ngoài được về làm việc chung với anh em tại Việt Nam.
Tôi nhớ từ cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần trước, anh đã nhắc tới những dự định, mong muốn kết nối được những thành quả nghiên cứu cũng như sự hợp tác của các nhà vật lý thiên văn quốc tế với Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền: Ý tưởng về nhóm SAGI này bắt đầu từ buổi hội thảo mà chúng tôi đã tổ chức vào năm 2016. Lúc đó thì anh Phạm Ngọc Điệp, đang là Trưởng nhóm Thiên Văn tại Trung tâm Không gian Quốc gia tại Hà Nội và anh Nguyễn Lương Quang lúc ấy là nghiên cứu sinh tại Đài Thiên văn Tokyo, và tôi là nhà nghiên cứu tại JPL (Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA) và Caltech. Chúng tôi đồng tổ chức một buổi hội thảo mang tựa đề là "Vật lý thiên văn tại Việt Nam: Những thử thách và cơ hội".
Trong chương trình hội thảo này chúng tôi đã mời một số nhà thiên văn hàng đầu từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là những giám đốc của các Đài thiên văn cũng như là những nhà nghiên cứu, những người mà đã đi tiên phong cho nền thiên văn của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Đài Loan. Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong cách làm thế nào để xây dựng nên một đội ngũ, cơ cấu để nghiên cứu về thiên văn.
Trong buổi hội thảo đó, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi được hỗ trợ, được khuyến khích rất nhiều từ những đồng nghiệp quốc tế. Và tôi hiểu rằng niềm đam mê thiên văn và tài năng nghiên cứu của người Việt rất dồi dào. Chúng tôi muốn làm thế nào đó, có cách nào đó để chúng ta có thể tận dụng được cơ hội và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cũng như khả năng nghiên cứu, và tinh thần ham học hỏi của người Việt mình.
Từ niềm mong ước ấy, anh Nguyễn Lương Quang lúc đó nghĩ rằng có thể nộp đơn để xin ngân quỹ từ nhóm Simons Foundation. Đây là một tổ chức tư nhân của Mỹ nhưng chuyên hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản, đặc biệt hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu cũng như các nhà nghiên cứu từ các nước đang phát triển như Việt Nam chẳng hạn. Chúng tôi mang ý tưởng này đến trình bày với anh Trần Thanh Vân, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu liên ngành tại Quy Nhơn, được anh ấy rất ủng hộ. Năm ngoái vào tháng 9-2021, chúng tôi đệ trình đề án lên Simons Foundation và chỉ trong vòng 3 tháng đề tài này của chúng tôi được chấp thuận.
Các nhà khoa học và sinh viên tại Đài thiên văn ở ICISE |
Tôi nghĩ Simons Foundation đánh giá cao đề án của chúng tôi, một phần có thể là họ đã biết đến những việc làm của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân trong những năm qua. Như chúng ta đều biết, là trong gần 3 thập kỷ qua, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân về nước khá thường xuyên và đã thúc đẩy việc giáo dục khoa học cho người Việt mình. Việc làm mới nhất của hai vợ chồng Giáo sư cho sự hình thành Trung tâm nghiên cứu liên ngành tại Quy Nhơn là một việc làm hết sức có ý nghĩa, rất là can đảm, vào tuổi của hai Giáo sư mà ông bà vẫn dám nghĩ và dám làm những chuyện hết sức tốn công tốn của như vậy. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận ra điều này và đã hỗ trợ việc làm của Giáo sư. Và từ đây Simons Foundation có thể đã biết chuyện này, nên họ cũng muốn hỗ trợ việc làm này về lâu dài.
Theo anh việc hợp tác giữa các nhà vật lý thiên văn ở trong và ngoài nước theo cơ chế như thế nào thì sẽ hiệu quả hơn?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền: Về cơ chế để phát triển hợp tác cũng tùy vào cá nhân và tùy vào chương trình hợp tác, vấn đề nghiên cứu cần giải quyết.
Lấy ví dụ về vấn đề lý thuyết chẳng hạn, chúng tôi hiện đang hợp tác cùng với anh Hoàng Chí Thiêm - từ Viện Nghiên cứu không gian của Hàn Quốc hợp tác cùng với Tiến sĩ Phạm Ngọc Điệp - Trưởng nhóm Thiên văn tại Trung tâm Không gian Quốc gia của Việt Nam tại Hà Nội. Hai người trao đổi về nghiên cứu, có khi anh Thiêm về nước làm việc cùng với nhóm của anh Điệp, có khi anh Điệp sang nghiên cứu bên Hàn Quốc cùng anh Thiêm và mang theo các sinh viên qua bên ấy học Tiến sĩ, là nghiên cứu sinh của anh Thiêm.
Trong vấn đề phân tích dữ liệu và nghiên cứu lý thuyết thì đấy là một cách làm việc rất hiệu quả, tạo sự tương tác giữa trong nước và nước ngoài. Và sự tương tác ấy trở nên dễ dàng và hiệu quả nhờ có người đã quen làm việc ở nước ngoài lâu năm như anh Hoàng Chí Thiêm.
Có một cách thứ hai nữa chúng tôi đang suy nghĩ, về những đề án khác, chẳng hạn những đề án thực nghiệm. Thực ra bây giờ chúng tôi muốn liên kết Trung tâm vũ trụ của Việt Nam làm việc chung với Trung tâm Không gian của Hàn Quốc hay là NASA của Mỹ. Khi làm việc chung như vậy thì sự phát triển về kỹ thuật tiến đến rất nhanh, bởi vì làm việc chung với các chuyên gia đầu ngành từ những chương trình tiên tiến nhất. Ước mơ của tôi là sẽ được làm việc chung với Trung tâm Không gian của Việt Nam và có những nhà nghiên cứu Việt Nam cùng tham gia với các Trung tâm không gian của Nhật Bản, Hàn Quốc và NASA - Hoa Kỳ.