Như cầu đổi mới toàn diện nền giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đang trở nên cấp bách thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Định hướng phát triển nền giáo dục Việt Nam như là sự tích hợp những giá trị của thời đại mới đang hình thành cùng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã làm nên bản sắc văn hóa riêng có của Việt Nam. NCS TS Mai Huy Anh và Phan Minh Đức - cựu quán quân Chương trình đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 10 do VTV tổ chức... sau thời gian học tập, làm việc ở Autralia đã quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp, với mong muốn được cùng nền giáo dục Việt Nam tạo nên cú hích và đột phá mới. Đây là nội dung cuộc trò chuyện sau đây giữa PV Hà Linh và NCS TS Mai Huy Anh cùng bạn Phan Minh Đức - về những góc nhìn mở trong tư duy giáo dục cũng như khát khao của những người trẻ cho sự phát triển giáo dục Việt Nam.
Nghe âm thanh phòng vấn tại đây:
PV: Cảm ơn 2 bạn đã tham gia cuộc trò chuyện hôm nay. Trước hết, hai bạn có thể tự giới thiệu đôi chút về mình với khán giả VOV?
Phan Minh Đức: Xin chào thính giả của Đài TNVN. Tôi là Phan Minh Đức. Tôi từng có một khoảng thời gian du học Australia gần 12 năm. Hồi cấp 3, tôi học trường Hà Nội- Amsterdam, lớp Vật lý. Năm lớp 12, tôi có cơ hội được thi chương trình đường lên đỉnh Oympia và giành giải Quán quân mùa thứ 10. Sau đó, tôi đi du học Australia tại thành phố Melbourne, ngành tài chính- kế toán tại trường Swinburne. Hiện tại, tôi là trưởng bộ phận học thuật và phụ trách các chương trình quốc tế tại trung tâm giáo dục Edison ở Việt Nam.
NCS TS Mai Huy Anh |
Huy Anh: Xin chào. Tôi rất vui vì có cơ hội được tham gia chương trình hôm nay. Xin tự giới thiệu tôi là Mai Huy Anh. Giống như Phan Minh Đức, tôi có thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại Australia. Tôi hoàn thành bậc học thạc sĩ, ngành kỹ thuật vật liệu. Sau đấy, tôi may mắn nhận được học bổng toàn phần bậc học tiến sĩ. Hiện tại, tôi về Việt Nam làm việc được 2 năm và triển khai các dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, phối hợp cùng các đơn vị nhà trường, các tổ chức giáo dục để triển khai những chương trình hướng nghiệp, chương trình đào tạo kỹ năng và đào tạo chứng chỉ quốc tế dành cho các bạn học sinh, sinh viên.
PV: Như vừa chia sẻ, Minh Đức theo học ngành tài chính tại Australia.Cơ duyên nào đưa bạn đến với lĩnh vực giáo dục và đồng hành cùng với Huy Anh trong những dự án giáo dục tại Việt Nam?
Minh Đức: Thực ra, tôi có kinh nghiệm tầm hơn 10 năm làm giảng dạy. Thứ nhất, tôi dạy và hỗ trợ ôn thi đại học cho các bạn học sinh lớp 11,12 của Australia - dạy toán, dạy tư duy toán,vât lý hoàn toàn bằng tiếng Anh. Hơn nữa, tôi cũng có kinh nghiệm hơn 3 năm làm trợ giảng cũng như trực tiếp đứng lớp ở Đại học Synbourne.
Phan Minh Đức - cựu quán quân chương trình đường lên đỉnh Olympia, du học tại Australia 12 năm. Hiện anh đang làm ở Việt Nam với vai trò là tư vấn viên về giáo dục. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Khoảng thời gian đó đã cho tôi một góc nhìn rất mới, và cái nhìn đa chiều hơn về giáo dục cũng như mục đích cuối cùng hướng đến của giáo dục. Vì thế, tôi luôn mong muốn mình có thể đóng góp cho giáo dục của Việt Nam. Bởi vì, ngoài việc dạy cho các bạn sinh viên tại trường, tôi tiếp xúc rất nhiều bạn du học sinh Việt Nam. Tôi luôn tự hỏi rằng, tại sao sinh viên Việt Nam thông minh, tư duy học rất tốt mà kết quả học tập hay thỉnh thoảng không bằng các bạn ở Úc. Tôi muốn giúp để làm sao các bạn sinh viên Việt Nam thể tự tin hơn cùng với vốn kiến thức cũng như khả năng tư duy vốn có của mình.
Huy Anh: Tôi cũng cùng quan điểm giáo dục với Minh Đức. Chúng tôi kết hợp hợp tác cùng với nhau để phát triển giáo dục Việt Nam. Chúng tôi cũng có tiếp cận và có những góc nhìn từ giáo dục tại Úc, từ đó ước muốn là có thể đưa một số mô hình, cũng như phương thức giáo dục hiện đại đưa về áp dụng tại Việt Nam. Tất nhiên cũng có một số điều chỉnh, để nó phù hợp với các bạn học sinh Việt Nam.
PV: Vậy là các bạn đã gặp nhau ở một điểm khi có cùng tư duy quan điểm về giáo dục. Hãy chia sẻ một chút về nơi mà các bạn đang cùng làm việc với nhau?
Một buổi chia sẻ của Phan Minh Đức với các bạn trẻ |
Huy Anh: Trung tâm Edison đã có hơn 15 năm hoạt động và đi sâu vào lĩnh vực giáo dục gắn liền với thực hành thực tế. Nghĩa là học các môn học đều phải gắn liền với thực tiễn. Trong đó, có các hoạt động thí nghiệm thực hành. Kế thừa tinh thần ấy, chúng em đã phát triển những chương trình mở rộng, Bên cạnh với những chương trình đào tạo truyền thống. Xuất phát điểm là do chúng tôi có may mắn có cơ hội được đi học tập, trải nghiệm tại nước ngoài trong khoảng thời gian tương đối dài.
PV: "Học nữa học mãi. Học suốt đời" là câu nói người dân Việt Nam ai cũng biết. Vậy theo quan điểm của Minh Đức và Huy Anh, mục đích cuối cùng của việc học là gì?
Minh Đức: Tôi từng theo đuổi nghiên cứu tiến sĩ trong 2 năm, nhưng rồi quyết định dừng lại bởi thấy không phù hợp ít nhất vào thời điểm đó. Tôi nhớ từng chia sẻ một lần là Bằng cấp chỉ là bước đệm, chỉ là bằng chứng tại thời điểm chứng tỏ cho thấy là bạn đã đạt được một thành tựu nào đó. Nhưng người học cuối cùng phải là chính mình. Tại sao tôi lại có tư duy như thế này hay có quan điểm như vậy là bởi, Tôi luôn nghĩ là xu hướng dần dần của giáo dục, đó chính là sự chuyển dịch là từ việc lấy trọng tâm là người dạy sang trọng tâm thì người học. Vì thế, các bạn sẽ luôn luôn cần biết mình cần phải học gì, muốn học gì và học thế nào cho hiệu quả. Hơn nữa là việc học cuối cùng sẽ là việc mình tích lũy được kiến thức cho bản thân mình, chứ không phải học cho bất kỳ một ai khác.
Để làm được như thế thì tất nhiên là bằng cấp vẫn là điều quan trọng, để chứng minh là bạn đã đạt được một điểm nào đó. Tuy nhiên, đây không chỉ là một điểm dừng chân mà sau đấy bạn sẽ phải đi tiếp. Việc học là một quá trình luôn luôn tiếp diễn, và việc học là trọn đời kể cả chúng ta học trong vô thức. Đó chính là lý do, tôi muốn chia sẻ để việc học làm trọng tâm, chúng tôi muốn đẩy mạnh tư duy tự học, khả năng tự hoc của bạn học sinh, sinh viên vì chỉ có khả năng tự học, bổ sung kiến thức mới giúp các bạn có thể luôn luôn chủ động tích lũy kể cả bạn không ở trong môi trường học tập.
NCS TS Mai Huy Anh (trái) |
Huy Anh: Tôi cũng cùng quan điểm với Đức. Nói đơn giản như thế này, thành tích chỉ nên là động lực chứ không nên là mục tiêu. Mọi người đang đa phần mọi người đang nghĩ có thành tích là mục tiêu. Nếu coi nó là động lực thì sẽ rất tốt, sẽ là cái mình hằng ngày mình phát triển, học tập để đạt được những bước tiến xa hơn cao hơn, nhưng nếu coi đó mục tiêu đạt đến mức đấy, mình lại không biết làm gì tiếp theo, có thể đôi khi mất phương hướng.
Đức sẽ trải nghiệm cảm giác này rõ ràng hơn khi giành chức vô địch Olympia, cả nước biết đến mình rất nổi tiếng, dù là Đức cũng có rất nhiều thành tích khác trong học tập nhưng mà chắc là cũng cảm thấy đôi khi mất phương hướng sau khi đạt được.
Tại một Hội thảo giao lưu chia sẻ với thầy cô và học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định |
PV: Người trẻ bây giờ chịu rất nhiều áp lực. Khi là học sinh cấp 1,2 thì là áp lực học và học để đỗ trường nọ trường kia. Xong cấp 3, số đông chọn nghề thường theo định hướng của cha mẹ hay một khuôn mẫu, trào lưu nào đó, rồi sau đó mất vài năm loay hoay mãi mà không biết đã chọn được nghề phù hợp với mình hay chưa. Ý tôi muốn nói, là định hướng nghề nghiệp là vô cùng quan trọng?
Minh Đức: Có lẽ việc đầu tiên là bạn định hướng nghề nghiệp thì phải hiểu là hướng nghiệp hay định hướng nghề nghiệp là từ bản thân mình, chứ không phải là ai đấy sẽ đến và định hướng giúp bạn. Điều quan trọng nhất đối với các bạn là không phải tìm hiểu ngay về các ngành nghề phù hợp hay ngành nào lương cao, hay là tốp những ngành không nên chọn, mà điều đầu tiên các bạn sẽ đi từ bản thân hiểu là mình có những bộ kỹ năng gì, khả năng như thế nào.
Với bộ kỹ năng, cộng với sở thích của mình như thế thì mình nên chọn ngành nghề như thế nào cho phù hợp. Đây chính là khởi điểm đầu tiên, Chọn nghề sẽ gắn với các bạn đâu đấy phải tính bằng năm hay 10 năm có hơn thế nữa. Phải tự hỏi rằng mình đã chọn kỹ càng chưa? đã cân nhắc chưa hay chỉ nghe theo người khác? Huy Anh có thể chia sẻ thêm?
Huy Anh: Quan điểm của tôi là việc mà các bạn theo những cái khuôn mẫu của bố mẹ đặt ra. Phụ huynh nào cũng muốn tốt nhất cho con. Thứ 2 là bố mẹ dựa theo kinh nghiệm thì cái này sẽ dẫn đến 2 việc, đôi khi đã phải sai rồi mới nhìn ra được cái gì tốt nhất. Thứ hai, đó là những cái kinh nghiệm của bố mẹ thì chưa chắc đã đúng trong tương lai. Thêm nữa, bản thân và tất cả mọi người mình đang sống trong một xã hội một cái thế giới đang biến động, phát triển rất nhanh mình không thể nào biết được cái gì đúng, cái gì không đúng trong tương lai. Cách tốt nhất nên chuẩn bị những gì mang tính nền tảng, những gì mà có thể chuyển đổi giữa các lĩnh vực nghề nghiệp.
Minh Đức: Việc phụ huynh quan tâm chọn trường tốt nhất cho con là đúng nhưng theo tôi quan sát ở những phụ huynh có con thành công ở Việt Nam và Úc thì chính là việc phụ huynh phải quay lại học cùng con, dành thời gian với con học cùng con những cái mới và quan sát sự thay đổi trong suốt quá trình học tập của con.
Huy Anh: Tôi và Minh Đức cũng là học sinh trường chuyên. Dù học trường nào thì điểm cuối cùng đi học là ai cũng phải đi làm, có một công việc, một ngành nghề và xây dựng một sự nghiệp, trở thành người có ích cho xã hội. Theo tôi, đấy mới là cái mà mọi người nên hướng tới, còn đi theo cách nào không quan trọng bởi vì cuối cùng mọi thứ cũng sẽ ở lại phía sau.
PV: Khi đã chọn được ngành nghề phù hợp, thì khi đó công việc sẽ đem lại niềm vui điều đó sẽ giúp mình dễ dàng vượt qua mọi khó khăn để có được thành công… Vì thời lượng có hạn, chương trình xin được khép lại. Cảm ơn và xin hẹn gặp Huy Anh và Minh Đức ở trò chuyện lần sau. Xin cảm ơn.