Tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại bền vững giữa các doanh nghiệp kiều bào châu Âu

(VOV5) - Để tồn tại lâu dài, doanh nghiệp kiều bào tại châu Âu cần có đường hướng kinh doanh thích hợp và bài bản.

Ông Hoàng Đình Thắng là một doanh nhân kiều bào có thành tích trong kinh doanh đồng thời có công lao đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc. Ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2008, Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba năm 2014, được vinh danh qua “Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài” của Bộ Công thương. Ông Hoàng Đình Thắng, doanh nhân kiều bào ở Cộng hòa Séc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN về việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác thương mại bền vững giữa các doanh nghiệp Việt kiều ở khu vực châu Âu.

Tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại bền vững giữa các doanh nghiệp kiều bào châu Âu - ảnh 1



Nghe âm thanh tại đây:




P/v: Thưa ông, doanh nghiệp kiều bào hiện nay đang gặp phải một số khó khăn, thách thức trong việc đáp ứng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường Châu Âu. Vậy làm thế nào để hàng hóa Việt Nam có đủ sức cạnh tranh ở khu vực này đặc biệt là ở Cộng hòa Séc?

Ông Hoàng Đình Thắng: Thực tế, 80%  số người Việt ở Cộng hòa Séc là hoạt động kinh doanh với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Bà con kiều bào kinh doanh các mặt hàng của Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác. Tuy nhiên, hàng Trung Quốc vẫn chiếm số lượng nhiều nhất trong thị phần buôn bán của người Việt Nam ở Cộng hòa Séc. Nhưng gần đây, đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những thay đổi đáng kể để đưa hàng Việt Nam sang Cộng hòa Séc cũng như các nước châu Âu. Hi vọng rằng, nếu có những thay đổi kịp thời thì tỉ trọng hàng Việt Nam so với hàng hóa của các nước khác sẽ được tăng dần.

P/v: Quả là, một vấn đề đặt ra nữa hiện nay là các doanh nghiệp Việt kiều vẫn còn chậm thay đổi tư duy trong cách làm ăn  nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như thế này. Vậy, theo đánh giá của ông, chúng ta nên có những biện pháp như thế nào để cải thiện tình hình?

Ông Hoàng Đình Thắng: Trong kinh tế thị trường, mọi doanh nghiệp đều phải cố gắng phấn đấu tùy vào năng lực của từng doanh nghiệp. Xu hướng chung, tôi cho là nếu tồn tại lâu dài thì nhất thiết doanh nghiệp phải làm ăn có bài bản. Điều thứ hai là phải có định hướng chuẩn bởi trong thương trường, sự cạnh tranh rất là khốc liệt. Nếu làm ăn không bài bản, không có đường hướng kinh doanh thích hợp, nếu không có sự liên kết tốt với nhau thì sự cạnh tranh sẽ kém và sự tồn tại sẽ bấp bênh.

P/v: Thưa ông, đoàn kết là sức mạnh của cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Vậy, cần triển khai những biện pháp gì để tạo được sự đoàn kết nhất trí đồng thời có định hướng chung giữa các doanh nghiệp Việt kiều khu vực châu Âu trong việc hợp tác kinh doanh tại thị trường này?

Ông Hoàng Đình Thắng: Ở châu Âu hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều kể từ cách mạng nhung năm 1989. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm rồi. Đến nay có một số doanh nghiệp thành công, có tầm đủ lớn. Và khi đã đủ lớn thì xu hướng phát triển sang các nước lân cận và phát triển xa hơn nữa là một nhu cầu rất cần thiết. Để thực hiện được điều này, theo quan điểm của tôi, việc liên kết giữa các doanh nghiệp kiều bào với nhau để cùng hỗ trợ nhau phát triển tại nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho bà con kiều bào là cần thiết. Tiếp theo đó, việc thứ hai là tạo được sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài khác khi vươn ra thị trường khu vực. Đấy là nhu cầu rất tự nhiên và cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm sao để liên kết, tập hợp được các doanh nghiệp kiều bào tạo thành sức mạnh chung, đó là cả một câu hỏi thực hiện không dễ dàng.

P/v: Việc ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu vào cuối năm nay sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng những lợi thế này như thế nào để tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Âu?

Ông Hoàng Đình Thắng: Khi có hiệp định đấy, tôi nghĩ có rất nhiều thuận lợi, đương nhiên bên cạnh đó cũng có những thách thức. Nhưng dù sao đi chăng nữa, các doanh nghiệp mình vẫn có những thế mạnh. Có thể ví dụ về thế mạnh ở chính thành viên trong cộng đồng bởi những người này hiểu rất rõ về nhu cầu, thị hiếu, … của thị trường sở tại; đồng thời thông thạo trong cách tìm kiếm hàng hóa phù hợp cũng như việc thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Người Việt Nam ở các nước châu Âu khá đông. Đó chính là thế mạnh để doanh nghiệp ở Việt Nam hướng tới nếu chúng ta làm tốt. Bởi ở một số nước khác, người Thái Lan, Trung Quốc ở Cộng hòa Séc không đông bằng người Việt.

Đặc biệt, mẫu mã, chất lượng từ Việt Nam đưa sang phải đáp ứng được thời điểm và sự nhanh nhạy trong quá trình vận động của thị trường. Hàng Việt Nam từ trước đến nay không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc vì một số lý do. Thứ nhất, hàng hóa của Việt Nam chậm hơn so với hàng Trung Quốc. Mẫu mã lại đơn giản. Và thứ ba là độ tin cậy của các chủ Trung Quốc với các các doanh nghiệp ở Cộng hòa Séc có vẻ có sự tin cậy tốt hơn. Tất cả những điều đó nhất thiết đều phải được khắc phục. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam cần nâng cao chất lượng để có cơ hội thâm nhập vào thị trường châu Âu. Bởi thước đo chất lượng của EU cao hơn so với một  số nước khác.

P/v: Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác