(VOV5) - Chương trình Khan Academy Vietnam và The Vietnam Foundation chính là hai cây cầu mà chúng tôi đã xây dựng để kết nối mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Hoa Kỳ.
The Vietnam Foundation (VNF) là tổ chức xã hội từ thiện phi lơi nhận, phi chính phủ được thành lập năm 2008 tại Hoa Kỳ, với mục tiêu hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. VNF là đại diện chuyển ngữ chính thức và duy nhất của Khan Academy quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam kể từ năm 2021, để triển khai nền tảng giáo dục trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Nền tảng học trực tuyến Khan Academy Việt Nam (KAV) giúp học sinh Việt có nguồn học liệu chuẩn chất lượng, nâng cao năng lực tự học của bản thân, không bị giới hạn bởi ngôn ngữ. Kể từ khi có mặt tại Việt Nam, phương pháp học trực tuyến này ngày càng được nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường lựa chọn. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Doanh nhân kiều bào Mỹ Phạm Đức Trung Kiên - Chủ tịch Tổ chức Việt Nam Foundation - một người khiếm thị đang ngày đêm miệt mài cống hiến những giá trị tốt đẹp về giáo dục cho cộng đồng người Việt.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trước tiên, Anh có thể thính giả Đài TNVN biết đôi chút về Tổ chức The Vietnam Foundation, nơi anh là một trong những người đồng sáng lập?
Doanh nhân Phạm Đức Trung Kiên: Sứ mệnh chính của The Vietnam Foundation là về giáo dục mà giáo dục thì không thể chỉ nói trong 5 năm hay 10 năm, mà phải nghĩ đến hàng trăm năm. Những bước khởi đầu mà The Vietnam Foundation hoạt động là hỗ trợ những người yếu thế - những người cần được sự trợ giúp từ xã hội. Nhưng đến giờ, giai đoạn đó đã đi vào ổn định và chúng tôi có thời gian tập trung nhiều hơn nữa vào sứ mệnh lớn hơn nữa đó là phát triển giáo dục cho xã hội chứ không chỉ cho người yếu thế nữa.
Ông Phạm Đức Trung Kiên ( sơ mi trắng) chụp ảnh cùng Sal Khan - Nhà sáng lập Khan Academy ( ngồi- bìa trái) |
Giáo dục chính chìa khóa của thành công của một quốc gia, của một xã hội. Con người có giáo dục sẽ có một nền tảng tốt, Giáo dục quan trọng như không khí chúng ta để thở vậy. Vì thế, chúng ta cần phải có chất lượng không khí tốt nhất. Và, The Vietnam Foundation được thành lập với mục đích đó. Vào năm 2008, chúng tôi bắt tay làm việc với các bè bạn của là các chuyên gia ở Viện Hàn lâm Hoa Kỳ và ngay từ ngày đầu đó, chúng tôi đã nhận được những sự hỗ trợ rất nhiệt tình, đắc lực, rất thiện cảm từ các chuyên gia của Viện hàn lâm Hoa Kỳ.
PV: Thưa Anh, một trong ba chương trình giáo dục mà VNF đang triển khai hoàn toàn miễn phí cho học sinh Việt Nam thì chương trình Khan Academy Việtnam là một nền tảng học trực tuyến, từ bậc mẫu giáo đến phổ thông trung học đang mang đến rất nhiều cơ hội học tập miễn phí cho học sinh cả nước. Vâng, từ khi nào mà anh Trung kiên khởi sinh ý tưởng là đưa cái nền tảng học rất hữu dụng này về từ Hoa Kỳ về Việt Nam?
Doanh nhân Phạm Đức Trung Kiên: Suy nghĩ của cá nhân tôi về Khan Academy bắt đầu từ lâu lắm rồi, bắt nguồn từ trước cả khi Khan Academy Hoa Kỳ triển khai (2008). Suy nghĩ đó có từ những kiến thức sẵn có mà tôi thu lượm ở bên Mỹ về khả năng đáp ứng nhu cầu học tập qua mạng internet.
Khi đó, mạng internet ở Việt Nam rất yếu nên việc thực hiện học trực tuyến chưa làm được. Nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng cơ sở và internet. Và, tôi biết rằng nhu cầu học của người Việt mình rất lớn.Người Việt rất chăm học, mê học, thích học. Thứ hai, là nền tảng internet digital của Việt Nam đã rất tốt. Bây giờ, chúng ta chỉ cần nội dung. Bởi thế, chúng tôi đã nghĩ đến Khan Academy. Vấn đề trước mắt của các em là chưa đủ khả năng tiếng Anh để học với Khan Academy.
Vì thế, vai trò của anh em trong The Vietnam Foundation của chúng tôi là chuyển ngữ sang tiếng Việt, để các em có thể dễ dàng tiếp cận những tài liệu học mở, phù hợp với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nước. Các em học bằng tiếng Việt và có thể học luôn, nghe luôn cả bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng ngoại ngữ. Tôi hi vọng rằng, khi các em vào cấp 2, cấp 3 thì các em hoàn toàn có thể học bằng tiếng Anh trên nền tảng Khan Academy. Chúng tôi nghĩ đây là một chiến lược lâu dài trong nền giáo dục Việt Nam.
Chụp hình lưu niệm cùng học sinh trường Tiểu học Quang Minh B - Mê Linh - Hà Nội. Ảnh Khan Academy Vietnam. |
PV: Theo Anh thì nền tảng giáo dục của Khan Academy Việt Nam có những ưu việt cũng như là sự khác biệt như thế nào so với các nền tảng học trực tuyến hiện nay tại Việt Nam?
Doanh nhân Phạm Đức Trung Kiên: Về tính ưu việt của Khan Academy, thứ nhất là giúp cho bạn trẻ con tính tự học, thế mới học cả đời được. Đó là tính tự học cứ nghĩ đó là cái tính uyển chuyển của hệ thống giáo dục. Nếu như một em học sinh vấp phải một vấn đề gì đó đáp án sai thì hệ thống đó sẽ không nói rằng "em sai rồi" mà tiếp theo đưa cho một bài tập tương tự và cho các em làm tiếp, chỉ cho các em sai, nhận ra cái sai, giúp các em trở thành tinh thông ở bước đó, trước khi sang một bước kế tiếp. Thành thử ra việc học đã được cá nhân hóa ở từng em.
Hệ thống dùng trí tuệ nhân tạo rất thông minh (AI), nó biết được em này hay sai ở phần nào, tiếp tục rèn luyện cho các em về cái mảng còn yếu và dẫn em lên bước kế tiếp cho đến khi nào em đó nhuần nhuyễn, tinh thông. Đó là tính thông minh, uyển chuyển của hệ thống Khan Academy.
Các đại sứ Khan Academy và ông Phạm Đức Trung Kiên. |
Ngoài ra, đây là phương pháp học tập rất là thông minh, như là có một người gia sư hiểu được thế mạnh, điểm yếu của mỗi học sinh. Nó còn bày ra sự lôi cuốn của trò chơi. Một điểm hay nữa là cả thầy các cha mẹ phụ huynh học sinh đều có những tài khoản (accout) để nhìn thấy hôm qua, tuần vừa rồi các con học được bao nhiêu phút, và nhận thấy sự tiến triển học của các con như thế nào. Đây là một cái tính ưu việt mà ít các ứng dụng nào có thể đạt được.
PV: Vâng, để hệ thống Khan Academy Vietnam hoạt động hiệu quả thì phải nói tới đội ngũ hỗ trợ đắc lực, là các tình nguyện viên. Tôi nghĩ, đó không chỉ là những người không chỉ có những kiến thức kỹ năng, mà còn là có tâm huyết thì mới có thể làm cùng lúc được nhiều việc đến như vậy, mà lại hoàn toàn tự nguyện. Anh có thể nói đôi chút về họ?
Anh Phạm Đức Trung Kiên: Tôi được may mắn có đội ngũ cộng sự viên rất tốt. Chúng tôi có mấy trăm tình nguyện viên. Rất nhiều em đã từng dùng Khan Academy và đi học bên Mỹ, trở nên thành công, quay lại giúp như một sự đền ơn cho hệ thống Khan Academy. Họ rất nhiệt tâm giúp đỡ các bạn khác ở trong Việt Nam để có được một cơ hội như các em đã từng có. Chúng tôi có một đội ngũ tình nguyện viên người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đòi hỏi các bạn phải học xong bằng cử nhân, có khả năng song ngữ. Ở trong nước, chúng tôi có đội ngũ tình nguyện viên làm việc với các thầy các cô, các tiến sĩ chuyên ngành đã được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, bảo đảm chất lượng của chương trình. Thêm vào đó, chúng tôi có đội ngũ làm việc full time ở văn phòng, để điều hành các chương trình Khan Academy Việt Nam, làm việc với các trường, với các cộng đồng mở, làm việc với các em để phát triển chương trình...
PV: Thưa anh, ngoài nhận được sự miễn phí từ Khan Academy Hoa Kỳ thì chương trình Khan Academy Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ đồng hành như thế nào từ các đối tác cũng như các cơ quan ban ngành Việt Nam?
Phạm Đức Trung Kiên: chúng tôi đã làm được lâu năm thông qua hình thức đóng góp từ cá nhân, từ bạn bè và chúng tôi cũng có khả năng đi đường xa được. Hi vọng, sau này xã hội sẽ góp tay cùng chúng tôi mở rộng công việc và phát triển hơn và các em luôn năng động kết nối với các tổ chức cá nhân trong nước, trở thành thành viên của một Liên minh như là Viện khoa Giáo dục Việt Nam, viện Toán cao cấp của tiến sĩ Ngô Bảo Châu, các tổ chức giáo dục lớn trong nước, các trường học trên cả nước... để phát triển chương trình học Khan Academy trở thành một phong trào.
Ảnh The Vietnam Foundation. |
Quan trọng nhất là kết quả của các cháu. Chương trình Khan Academy Vietnam và The Việtnam Foundation chính là hai cây cầu mà chúng tôi đã xây dựng để kết nối Việt Nam với Hoa Kỳ một cách trực tiếp với nhau. Và, tôi vững tin rằng trong tương lai các em từng đi qua các cây cầu Khan Academy Vietnam sẽ tự nhận thức được rằng, các em cũng có thể tạo ra những cây cầu để nối liền Việt Nam - Hoa Kỳ làm sao giúp cho cho quan hệ hai nước tốt hơn, và con em của chúng ta có thể tiếp cận nền văn minh hiện tại từ nước Mỹ. Ngược lại, các em cũng cho nước Mỹ và thế giới thấy được tài năng, cái tinh hoa của văn hóa tốt nhất từ người Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn anh Phạm Đức Trung Kiên và xin hẹn anh vào vào chương trình lần sau. Rất mong được anh chia sẻ những dự án mà các Anh cùng với The Vietnam Foundation thực hiện vì sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.