The Vietnam Foundation hỗ trợ trẻ em vùng cao học tập hiệu quả
CTV Mai Huệ -  
(VOV5) - Mỗi em đều có một câu chuyện riêng trong hành trình đi tìm con chữ, tìm tri thức để khát khao vươn lên.
Con đường đến trường của không ít học sinh vùng sâu, vùng xa còn nhiều “ghập gềnh gian nan”, thế nhưng đội ngũ giáo viên tại các điểm trường cũng như The Vietnam Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washinton DC Hoa Kỳ)- luôn tin rằng chỉ có học thức là con đường ngắn nhất giúp các em nâng cao cuộc sống của chính mình. Nhiều năm qua, The Việt Nam Foundation luôn nỗ lực đồng hành cùng ngành giáo dục Việt Nam thực hiện các chương trình miễn phí về nâng cao chất lượng dạy học, tạo điều kiện bình đẳng cho tất cả mọi người tiếp cận kiến thức, để không ai bị bỏ lại phía sau:
Nghe âm thanh bài tại đây:
Ngày 3 tháng 12 năm 2018, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố ngày 24 tháng 1 là Ngày Quốc tế Giáo dục, nhằm tôn vinh vai trò của giáo dục trong việc đảm bảo hòa bình thế giới và phát triển bền vững trên toàn cầu. Ngày Quốc tế Giáo dục là một cơ hội để cùng nhìn nhận lại giáo dục và vai trò của giáo dục; khẳng định giáo dục là một quyền cơ bản của con người, cần được chung tay bảo vệ. Đây là dịp để cả xã hội nhận thức và đồng lòng hỗ trợ việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người tiếp cận kiến thức.
Giờ học trên ứng dụng Khan Academy của 1 trường tiểu học Sơn Trương, Tuyên Quang. Ảnh Mai Huệ |
Hưởng ứng tinh thần trên, từ năm 2021 Tổ chức The Vietnam Foundation đã bắt tay đưa chương trình học trực tuyến miễn phí trên nền tảng Khan Academy tới học sinh Việt Nam trên khắp mọi miền, đặc biệt mới đây triển khai các tỉnh vùng cao, vùng sâu vùng xa như Mù Cang Chải - Yên Bái, Than Uyên - Lai Châu, Sơn Dương - Tuyên Quang…
Sau 2 năm triển khai đã có rất nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh hưởng ứng để giảng dạy và học tập hiệu quả, tích cực. Nhờ đó, khoảng cách giáo dục đã được rút ngắn lại và mỗi học sinh đều có cơ hội tiếp cận với nền tảng học tập chuẩn quốc tế với chi phí 0 đồng.
Đại diện của The Vietnam Foundation gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Giáo dục. Ảnh Mai Huệ |
Nói về sứ mệnh của "The Việt Nam Foundation", doanh nhân Phạm Đức Trung Kiên, một kiều bào Mỹ rất tâm huyết với giáo dục quê nhà chia sẻ về Khan Accademy: "Giáo dục chính chìa khóa của thành công của một quốc gia, của một xã hội, con người có giáo dục sẽ có một nền tảng tốt, Và, "The Vietnam Foundation" được thành lập với mục đích đó. Trong những năm gần đây, Việt Nam đầu tư rất nhiều cho hạ tầng cơ sở vào internet. Tôi biết rằng, nhu cầu học của người Việt Nam rất lớn, người Việt mình cực kỳ mê học. Dựa trên cơ sở hạ tầng internet của Việt Nam tốt rồi, chúng ta chỉ cần nội dung. Vì thế, chúng tôi đã nghĩ đến đưa Khan Academy Việt Nam”.
Các em rất hào hứng với phương pháp học trên nền tảng Khan Academy. Ảnh Mai Huệ |
Tính ưu việt học tập trên nền tảng Khan Academy chính là học sinh được lấp lỗ hổng kiến thức. Trước đây, khi không theo kịp bài giảng trên lớp, các em sẽ bị hổng kiến thức nên dễ chán học. Tuy nhiên, khi được học tập trên Khan, các em được học đi học lại phần kiến thức còn yếu, được luyện tập bài tập nhiều lần để đạt đến độ tinh thông. Khi nắm chắc kiến thức, các em sẽ hứng thú học tập hơn.
Các phần mềm học toán, tiếng Anh....chuẩn quốc tế đã được Khan Academy Vietnam chuyển ngữ sang tiếng Việt. Các em giỏi ngoại ngữ vẫn có thể tiếp cận nguồn học liệu bằng tiếng Anh. |
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường Tiểu học Hợp Hòa - Sơn Dương - Tuyên Quang cái hay nói về cái hay của nền tảng Khan: “Tôi thấy phần giao bài cho học sinh rất linh động, không nhất thiết mình giao một bài tập cho cả lớp mà có thể cá nhân hóa từng học sinh, tùy theo học sinh đó đang cần bù lấp kiến thức gì thì tôi sẽ giao dạng bài đó cho các em. Những em ở mức độ cao hơn thì sẽ giao bài tập khó hơn. Những em nhận thức chậm hơn một chút, đang bị hổng kiến thức nào thì tôi sẽ giao bài tập đơn giản hơn".
Hình thức "cá nhân hóa học tập" của Khan Academy được nhà trường và phụ huynh đánh giá cao. |
Hiện nay tại Trường tiểu học Hợp Hòa có khoảng 20 máy tính để hàng ngày các em tiếp cận các khóa học trực tuyến như Toán, Tiếng Anh, Kỹ năng mềm, an toàn Internet…Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng nhà trường vẫn cố gắng đảm bảo 1 tuần các em được học 2 buổi trên nền tảng trực tuyến Khan Academy. Ngoài ra, mỗi ngày các em củng cố 30 phút kiến thức ngay tại nhà qua điện thoại của bố mẹ. Những gia đình không có điện thoại thông minh, thầy cô tranh thủ giờ nghỉ cho con “mượn” thiết bị học tập…
Cô trò trường tiểu học Púng Luông- Mù Căng Chải. Ảnh Mai Huệ |
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông - Mù Cang Chải đa phần học sinh là dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, để các em có thể học tập trực tuyến trên nền tảng Khan Academy là cả một quá trình nỗ lực khắc phục khó khăn của thầy cô và học trò. Phương pháp Chơi mà học- học mà chơi trên nền tảng trực tuyến này khiến các em thích đến trường và hào hứng với bài giảng thầy cô hơn. Điều đó như tiếp thêm niềm vui và động lực cho các thầy cô giáo ở những nơi vùng rẻo cao này.
Cảm nhận của các em học sinh: “Hàng ngày em dành 30 phút để học Khan. Em thích nhất là học Toán. Khan Academy giúp học sinh và giáo viên tăng tương tác, học sinh có thể học được những kiến thức bổ ích hơn"
“Con đã có rất nhiều huy hiệu trên Khan. Con cảm thấy rất là vui vì app Khan có thể nâng cao tiến bộ học hỏi của con".
Học sinh tiểu học nơi vùng cao Sơn Dương- Tuyên Quang.
Ảnh Mai Huệ |
Cuộc sống còn nhiều khó khăn,con đường đến trường của các em còn ghập ghềnh. Mỗi em đều có một câu chuyện riêng trong hành trình đi tìm con chữ, tìm tri thức để khát khao vươn lên. Và, mỗi thầy, mỗi cô như một kim chỉ nam bền bỉ đang giúp con đường ấy trở nên đúng hướng.
Đội ngũ “The Vietnam Foundation” tin rằng, với những nỗ lực hỗ trợ “cá nhân hóa học tậ” thông qua nền tảng Khan Academy nói riêng và các phương pháp học tập chuẩn quốc tế nói chung sẽ giúp con đường đến trường của các em được suôn sẻ và vững chãi! Để các em không một ai bị bỏ lại phía sau, bởi giáo dục là cho tất cả mọi người.
CTV Mai Huệ