(VOV5) - Các đại biểu quốc hội cũng tin tưởng vào các nhóm giải pháp toàn diện mà Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,7%, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong những ngày qua, Quốc hội dành khá nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Các đại biểu quốc hội cũng tin tưởng vào các nhóm giải pháp toàn diện mà Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,7%, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cũng còn vấn đề phải bàn thảo như tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu thành lập doanh nghiệp để góp phần giải quyết việc làm và nhiều bất cập khác. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đài TNVN đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về một số nội dung liên quan.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa ông, trong những tháng cuối năm, sẽ tập trung vào những vấn đề gì để đạt được mục tiêu? Vì so với kỳ họp trước thì nhiều đại biểu lo lắng có đạt được các chỉ tiêu hay không nhưng đến quý 3 này thì tăng đột biến?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Những yếu tố bên ngoài chưa lường được nhưng nếu cứ như tháng 8, 9, 10 thì có thể đạt được các chỉ tiêu. Hiện nay chính phủ giao ban, kiểm điểm hàng tháng các lĩnh vực, đưa ra các chính sách và Quốc hội cũng ban hành để sửa nhiều luật. Chính phủ sửa rất nhiều Nghị định. Vậy chúng ta cứ làm theo những mục tiêu đặt ra bởi vì những mục đề ra ở vào tháng 6 năm 2017 thì bây giờ dự báo tương đối sát. Vậy thì làm hết những phần việc đó đi vì cơ chế chính sách bao giờ cũng có có độ trễ nhất định.
PV:Trong báo cáo giám sát có đề cập đến vấn đề doanh nghiệp cổ phần hóa chậm, vậy có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiên nay nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 có Nghị quyết riêng về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 đã xem lại báo cáo, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 2016 thì đã nhắc nhở và trong báo cáo đó Chính phủ dự kiến thu được của doanh nghiệp nhà nước là khoảng 60 ngàn tỷ cho vào ngân sách. Thì đến bây giờ khoảng 30 ngàn tỷ đồng. Chắc là sẽ tương đối khó một chút.
3, PV: Về chỉ tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có đạt được không khi mà hoạt động của các hộ kinh doanh cá thể và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Ngay từ đầu thì quan điểm của cá nhân tôi không quan trong lắm vấn đề là hoạt động hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập thế nào, chuyển lên thế nào thì không nên lấy cái đó làm chỉ tiêu bắt buộc, vấn đề họ hoat động như thế nào, đầu tư vốn như thế nào và giải quyết được bao nhiêu lao động xã hội, đấy mới là điều quan trọng hơn để tạo điều kiện cho họ.
PV: Vậy thì cơ chế chính sách có ưu đãi gì hơn không để tạo điều kiện cho số doanh nghiệp này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và những vấn đề khác thì chúng ta có đầy đủ hết rồi. Vấn đề bây giờ đừng hy vọng sau khi có luật xong thì phải có đột biến ngay là không có vì đây là quá trình nhân thức cho nên từ một hộ kinh doanh cá thể là nhận thuế khoán sang kế hoạch khoán thuế thì cũng là một cuộc cách mạng đối với những người làm công tác dịch vụ. Và chúng ta cũng phải có những cơ chế chính sách để sửa đổi việc khoán thuế đối với hộ kinh doanh cá thể nếu thực hiện tốt những việc đấy thì họ sẽ thấy việc chuyển lợi ích từ việc chuyển sang mô hình công ty rõ ràng hơn, minh bạch hơn trong việc nộp thuế và họ sẽ đỡ được việc đi thỏa thuận với các nhân viên trong lĩnh vực đấy họ có lợi dụng để mà làm lợi ích cá nhân của họ
PV: Thưa ông, là chuyên gia kinh tế, ông có thể nói gì về triển vọng kinh tế thời gian tới và năm 2018 sẽ là năm có nhiều đột phá đúng không?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Ngay từ đầu tôi đã nói nếu không có đột biến gì thì khả năng đạt được nhưng quan trọng là đạt rồi có giữ được chỉ tiêu đó không, lâu dài không đó mới là điều quan tâm. Đạt được 1 năm thì được nhưng có giữ được trong vòng 3 năm còn lại của nhiệm kỳ này mới là điều đáng bàn. Nên là ngay như bây giờ vấn đề đạt được kết quả là tốt giữ được mới là quan trọng đúng như Lê nin nói giành chính quyền đã khó nhưng giữ sẽ còn khó hơn.
PV: Vậy chúng ta phải có những giải pháp chính là gì?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Những chính sách chúng ta đang có thì sẽ tổ chức thực hiện cho thật tốt. Phải đi vào thực chất và những vấn đề đó phải đặt vào trong bối cảnh nhìn vấn đề liên quan với nhau. Trong kinh tế thị trường cần một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Chúng ta phải bình tĩnh xem xét dưới góc độ của nền kinh tế thị trường.. Trong 16 nhóm giải pháp phải chỉ ra làm gì và Ủy ban thường vụ Quốc hội có hẳn Nghị quyết nhưng điều quan trọng là thời cơ đến là chúng ta nắm bắt ngay và triển khai ngay.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông.