Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập, tự do; được thừa hưởng những thành quả cách mạng của các thế hệ đi trước là một điều may mắn, hạnh phúc của thế hệ trẻ. Trân trọng quá khứ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Hơn ai hết, hiểu được giá trị của tự do và hòa bình, những người trẻ phải xác định và thể hiện hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, sống có lý tưởng, mục đích, và phải có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh. Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ ( TS) Trần Lê Hưng về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không với phóng viên Đài TNVN. TS Lê Hưng từng sinh sống nhiều năm ở Pháp và hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Cùng với đó, anh cũng tham gia tích cực các phong trào, hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Tiến sĩ Trần Lê Hưng- Ảnh nhân vật cung cấp |
PV: Hãy nói về những gì bạn biết và hiểu được về cuộc chiến trên không 12 ngày đêm 12/1972. Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thuộc lớp thế hệ đi sau, Anh suy nghĩ như thế nào về chiến thắng này?
TS Trần Lê Hưng: Chắc hẳn ai cũng biết rằng, Việt Nam chúng ta phải trải qua nhiều cuộc chiến để dành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong lịch sử cận đại thì có 2 cuộc chiến nổi bật nhất là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc vào năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, đi vào sử sách và dẫn theo đó là chiến thắng trong hội nghị Geneve ở Thụy Sĩ. Ở cuộc chiến này, có thể nói chiến thắng Điện Biên Phủ là chìa khóa để dẫn tới sự thành công của cả chiến dịch. Sau đó, Việt Nam bước vào cuộc chiến thứ 2 đó là cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ. Sau chiến thắng của quân đội Việt Nam, chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của quân đội Mỹ sau khi Hội nghị Paris bế tắc và đổ vỡ.
Trong chiến dịch ném bom LineBacker II (từ 18-29/12 đến năm 1972), quân đội Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc, nhằm giành thắng lợi áp đảo về quân sự, làm xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán tại Paris có lợi cho Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng đã từng tuyên bố đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.
Phát biểu này cho thấy tham vọng chính trị của giới cầm quyền Mỹ lúc đó là rất lớn và họ đặt hy vọng rất nhiều vào chiến dịch này nhằm đem lại kết quả có lợi cho mình.
Lê Hưng cùng bố tham quan triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. |
Chúng ta cũng nhớ rằng trước chiến dịch này, thì Mỹ cũng đã rất nhiều lần tấn công vào miền Bắc Việt Nam và sự can thiệp này ngày càng leo thang. B-52 lúc đó được mệnh danh là pháo đài bất khả xâm phạm, được trang bị nhiều trang thiết bị tiên tiến cùng trữ lượng bom khổng lồ. Và, phải thừa nhận rằng Đảng ta cũng đặt rất nhiều mối quan tâm tới chiếc máy bay chiến lược này và giao nhiệm vụ cho quân chủng phòng không – không quân nghiên cứu tìm cách đánh cho được B-52. Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói "Người Mỹ sẽ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội." Điều này cho thấy chúng ta cũng dành mối quan tâm vô cùng đặc biệt tới loại máy bay này và nhiệm vụ đánh B-52 là vô cùng nặng nề.
Trở lại nói về chiến dịch LinerBacker II, người Mỹ quyết định sử dụng B-52 và Đảng, Nhà nước và quân đội xác định chúng ta bắt buộc phải dành chiến thắng vì chỉ có chiến thắng mới là chìa khóa để chấm dứt cuộc chiến. Và, với sự quyết tâm của quân và dân ta, Việt Nam chúng ta đã dành được thắng lợi này. Qua đó người Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris vào năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Do đó, sự quan trọng của chiến thắng này cũng được ví như chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1954, và vì vậy nó cũng được biết tới qua cái tên Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Ảnh chụp bên hệ thống tên lửa Scud. |
Là người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì tôi càng cảm thấy rõ hơn bao giờ hết về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này. Nó diễn ra vào thời điểm kỳ nghỉ lễ giáng sinh – đó là kỳ nghỉ lễ ở phương tây cũng như ở Mỹ mà trẻ em được nhận quà, gia đình đoàn tụ. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì cả dãy phố Khâm Thiên (Hà Nội) bị bom san phẳng, bệnh viện Bạch Mai cũng bị hứng chịu trận cuồng phong của không quân Mỹ tới 4 lần. Tất cả đều sụp đổ, tan hoang. Trên phố Khâm thiên, số nhà 47, 49, 51 bị khuyết, nơi đó chúng ta đã xây dựng đài tưởng niệm 278 nạn nhân bị thiệt mạng trong cuộc không kích đó. Ngày 26/12 hàng năm, cả phố Khâm Thiên làm ngày giỗ chung cho họ. Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tôi thấy mình may mắn và càng trân trọng hơn bao giờ hết hai chữ Hòa bình.
PV: Từ chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, rồi trận chiến Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không năm 1972, càng cho thấy sự sáng tạo, độc đáo, khéo léo của nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam. Thật tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ !
TS Trần Lê Hưng: Chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không" đã được phân tích rất nhiều, thất bại của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội cũng tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu quân sự. Sự quan tâm này cho thấy rằng Việt Nam chúng ta đã thực sự đánh bại ý chí của người Mỹ với nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo để chống lại mọi trang thiết bị điện tử tiên tiến.
Điều này cho thấy rằng yếu tố con người mới là yếu tố chính, đóng vai trò then chốt và chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không đánh dấu một cách đậm nét nổi bật về sự sáng tạo trong cách đánh của quân và dân ta, tạo nên nghệ thuật quân sự đặc biệt của Việt Nam.
PV: Thanh niên bao giờ cũng thế, họ là những người luôn tràn đầy nhiệt huyết, sức trẻ và lý tưởng. Nhìn lại quá khứ, bạn có cảm nhận như thế nào về tinh thần của thế hệ cha ông mình thời trẻ?
TS Trần Lê Hưng: Phải nói rằng thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh rất nhiều để có được ngày hôm nay. Ở thời đó, chúng ta nhớ rằng sau hiệp định Geneve, Đảng ta đã xác định Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị cho miền Nam kháng chiến. Thanh niên hai miền Nam – Bắc, mỗi nơi một nhiệm vụ nhưng hy sinh đã cống hiến tất cả, gạt đi mọi hạnh phúc cá nhân, hy sinh bản thân mình vì chiến thắng của dân tộc, vì tương lai của thế hệ sau. Rất nhiều tác phẩm cho thấy tinh thần lạc quan, nhiệt huyết của thế hệ trẻ thời đó vào chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa. Dù chiến tranh khốc liệt nhưng chúng ta vẫn có được những bài hát hay về người lính như Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Anh lính quân bưu vui tính, Bước chân trên dải Trường sơn, Chiếc gậy Trường sơn… Chúng ta cũng có những bài thơ như "Tiểu đội xe không kính, Bếp lửa (Bằng Việt), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) v…v… Trong tất cả các tác phẩm đều cho thấy đó là một tinh thần bất khuất, "xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai" của tuổi trẻ thời cha ông ta.
PV: Tự hào và hiểu được giá trị của tự do, của hòa bình, Theo Anh, thế hệ trẻ cần thể hiện bản lĩnh như nào trong thời kỳ hội nhập, phát triển mới ngày nay?
TS Trần Lê Hưng: Qua những hồi ký, tâm sự của các cựu chiến binh, qua tranh ảnh, tư liệu lịch sử, chúng ta thấy được chiến tranh là khốc liệt, là sự ly tán và không ai trong chúng ta muốn điều này xảy ra. Mỗi người dân Việt Nam hiện nay đang được sống trong hòa bình và chúng ta luôn biết ơn sự hy sinh xương, máu của thế hệ đi trước.
Trong bối cảnh thế giới hiện tại, các cuộc chiến tranh vẫn luôn tồn tại. Nó đến từ sự xung đột lợi ích giữa các cường quốc, và hòa bình thế giới bị đe dọa thì hòa bình ở Việt Nam cũng bị đe dọa. Do đó, để gìn giữ nền hòa bình của chúng ta thì hơn bao giờ hết, chúng ta phải hiểu ha chữ độc lập. Cũng nên nhớ rằng sau khi thành lập nước thì Bác Hồ của chúng ta đã sang Pháp để đàm phán cho nước ta được hai chữ độc lập, tuy nhiên thực dân Pháp chỉ muốn cho chúng ta hai chữ tự do. Độc lập là đáng quý vô cùng và phải độc lập trên mọi phương diện : chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, v…v… không để nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn.
TS Lê Hưng ( thứ 2, bìa phải) nhận bằng khen tại Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 5 (2022) tại Bến Tre. |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từng nói "Trong chiến tranh thì không có người thắng, kẻ thua mà là cùng thắng, mà người thắng thực sự là hòa bình". Vì vậy, thế hệ trẻ Việt Nam phải hiểu được giá trị của hòa bình, những gì chúng ta đang có, và phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, sống có lý tưởng, mục đích, ra sức học hỏi làm chủ công nghệ và phải có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh.
PV:Được biết, ngoài công việc giảng dạy ở trường Đại học,TS Trần Lê Hưng còn đang Hưng có tham gia các dự án chương trình sự kiện của Đoàn Thanh niên về tri ân, học tập noi gương các anh hùng hết lòng cống hiến cho Tổ quốc?
TS Trần Lê Hưng: Trong các chương trình của Đoàn Thanh niên vừa qua tôi có tham gia Ban chủ nhiệm Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V tại tỉnh Bến Tre. Trong dịp này, đoàn các đại biểu đã đến viếng mộ nữ tướng Nguyễn Thị Định và tìm hiểu công lao của bà trong cuộc chiến. Bên cạnh đó, đoàn Thanh niên trong năm cũng có nhiều hoạt động tri ân, học tập noi gương các anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc như ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, các hoạt động này cũng nên xuất phát từ trong tâm mỗi chúng ta và nên duy trì, kéo dài bằng những hành động, chương trình khác nhau trong cả năm.
PV: Vâng, Xin trân trọng cảm ơn Anh.