(VOV5) - Là người thiết kế thời trang, chị Vũ Thị Mai Liên vốn được cộng đồng người Việt ở Liên Bang Nga và ở trong nước biết tới là một nữ Doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Năm 2013, chị quyết định trở về và đầu tư tại quê nhà bằng nghề nuôi vịt trời – một nghề chẳng liên quan chút nào đến con đường sự nghiệp mà chị gắn bó suốt mấy chục năm sống xa quê hương.
|
Ảnh theo:thucphamsach.net.vn |
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa chị, điều gì đã khiến một nữ doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực thời trang, may mặc trở thành một bà nông dân thực thụ?
Vũ Mai Liên: Trong giấc mơ hãi hùng nhất mình cũng không nghĩ mình trở thành một bà nông dân. Bở vì thực sự mình chưa biết nghề này. Về Việt Nam cái cơ duyên cũng rất đơn giản khi đi đâu cũng thấy mọi người nói về thực phẩm. Từ việc nhỏ đấy mình mới nghĩ đến việc làm thiết thực góp phần giải phóng chuyện thực phẩm bẩn. Tất nhiên, mình chẳng thể làm được nhiều đâu, chỉ là một chút nho nhỏ thôi.
PV: Trang trại của mình có quy mô như thế nào thưa chị?
Vũ Mai Liên: Diện tích trang trại lớn 8,5 héc ta hai khu. Một khu nuôi thương phẩm. Và khu thứ hai chăm sóc bầy vịt đẻ. Số lượng vịt thì nhiều nhưng thực tế công nhân cũng không nhiều, chỉ cần 10 bạn. Thực ra vốn đầu tư không lớn. Tất cả những người mới lập nghiệp cũng có thể đầu tư được. Chỉ cần mấy chục triệu cũng có thể đầu tư được trang trại nhỏ, nhưng bọn mình làm thành một trang trại lớn nên vốn đầu tư khác. Mình nuôi bằng phương pháp tự nhiên, chăn thả và cho ăn bèo, ăn lúa, ăn hến vớt từ sông Đồng Nai. Điều mình thích là sản phẩm làm ra 100% tự nhiên. Bọn mình tự tin đưa sản phẩm đến với khách hàng.Ở Việt Nam, ngoài trang trại vịt trời, mình còn tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội, ủng hộ biển đảo quê hương và đồng bào nghèo. Nuôi vịt trời lấy mất nhiều công sức vì mình chưa bao giờ làm nông dân thành ra vất vả hơn so với người khác.
|
Ảnh theo:thucphamsach.net.vn |
PV: Tôi cũng tò mò muốn biết lý do vì sao chị lại chọn Đồng Nai để đầu tư khi quyết định trở về?
Vũ Mai Liên: Mình sinh ra lớn lên ở Hải Phòng, rồi vào Nam. Sau khi tốt nghiệp mình làm ở sở Địa chính Đồng Nai. Chính cái cơ duyên đó mà mình muốn quay trở về nơi mình đã ra đi để đầu tư một chút gì đó. Cũng rất muốn đầu tư ở Hải Phòng nhưng chưa tìm được địa điểm ưng ý. Tình cờ đi du lịch ở Cù Lai Ba C, mình thấy phong cảnh đẹp, nhưng người ta để hoang ao rất nhiều. Mình nghĩ nuôi vịt trời ở đây vừa đẹp, vừa sạch, lại vừa làm khu du lịch sinh thái để mọi người đi chơi. Vì là nhà thiết kế mơ mộng nên thấy nó đẹp, sau đó ăn thử thấy thịt thơm ngon. Mình nghĩ tại sao người ta làm được mà mình lại không làm được. Chuyển sang làm thế này mình cũng thấy vui, hấp dẫn và điều quan trọng nhất là đóng góp được chút ít nhỏ bé cho quê hương. Từ đó mình tìm giống và đầu tư.
PV: Không chỉ đầu tư kinh doanh, góp phần mang lại nguồn thực phẩm sạch phục vụ đời sống, chúng tôi còn được biết chị thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện cho rất nhiều những hộ gia đình ở những vùng lân cận?
Vũ Mai Liên: Mình thường xuyên khuyến khích những hộ nông dân. Mình mời những hộ nông dân tới, giao giống với giá ưu đãi và cam kết đến lúc thu hoạch được mình sẽ thu mua lại sản phẩm với giá ưu đãi nữa. Hai lần ưu đãi nên bà con nông dân xung quanh rất thoải mái. Mình rất muốn chia sẻ với các bạn trẻ hay những hộ nông dân nghèo bởi vì mô hình này là mô hình chăn thả gia đình. Mình không tốn tiền mua cám, tận dụng rau chuối, rau muống. Tất cả đồ thừa trong một gia đình cũng cho ăn được, chỉ cần mình có một cái ao nho nhỏ vì thức ăn không phúc tạp lắm. Bản tính của vịt trời là thủy cầm, chỉ cần có nước là nó bơi được. Bản chất là tự nhiên nên sức đề kháng của nó tốt. Từ lúc mình bắt đầu nuôi đến giờ, nhưng chưa bao giờ đàn vịt của mình bị dịch bệnh. Đó là ưu điểm tuyệt đối.
PV: Là con người của công việc, chị có thể chia sẽ một chút riêng tư về cuộc sống gia đình?
Vũ Mai Liên: Cuộc sống gia đình mình ở Nga bình thường như bao gia đình khác. Chồng mình anh ấy làm tiến sĩ ở xanh-pê-téc-bua. Hiện tại anh ấy phụ trách nhà máy sản xuất bông tấm cho ngành công nghiệp nhẹ. Con mình giờ học đại học đại học ở Anh Quốc nhưng vẫn hiểu rõ ông Bụt là gì? Hai Bà Trưng, rồi Tấm Cám, cứ kể vanh vách thế thôi nhưng nó mất rất nhiều công sức của người mẹ không giống như ở Việt Nam. Quan trọng nhất của phụ nữ sống ở nước ngoài là phải dạy cho con bản sắc dân tộc, dạy tiếng Việt. Kể chuyện và giải thích với các cháu ở nước ngoài vô cùng khó khăn. Bên kia, tất cả văn hóa của Việt Nam, các cháu biết cái gì là do mẹ, do bố chứ không phải do cô giáo hay xã hội. Công việc của anh ấy và mình cùng là nghành công nghiệp nhẹ nhưng không bổ sung cho nhau được. Hiện tại công việc thiết kế của mình đang bỏ dở. Chỉ có bạn bè cần làm hoặc ai đó cần hỗ trợ thì mình vẫn làm. Tính mình đã đam mê thì phải theo đuổi đến cùng cho kỳ được. Đã quyết tâm thì theo đuổi đến cùng, nhưng để mình đi khắp nơi, làm được nhiều việc, đóng góp được cho cộng đồng thì anh ấy là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mình. Các con thì lúc nào cũng ủng hộ mẹ tuyệt đối.
PV: Xin cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện trên sóng Đài TNVN.