(VOV5) -Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, làm sao để người dân và doanh nghiệp bỏ tiền vào mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu để đầu tư.
Với việc xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hỗ trợ nhà đầu tư bằng những việc làm cụ thể, đưa quy định về thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ đầu tư thành pháp lệnh... Bà Rịa - Vũng Tàu đang tạo dựng hình ảnh về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong thời gian dài, việc thu hút đầu tư ồ ạt ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã bộc lộ nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các dự án dệt - nhuộm hay các dự án chậm triển khai vẫn đang là những bài toán khó, mà địa phương chưa thể một sớm một chiều giải quyết được.
Cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng là hai trong năm trụ cột kinh tế được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Trong ảnh: Một góc cảng Cái Mép. |
Xác định không đánh đổi kinh tế lấy sự ô nhiễm môi trường, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang thực hiện công tác quy hoạch và thu hút đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh này kiên trì mục tiêu đầu tư có chọn lọc, với các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa, ít sử dụng lao động. Đến 2020, tỉnh này phấn đấu sẽ thu hút 80 dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD và 90 dự án trong nước với khoảng 100 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký.
Theo ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, tỉnh đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín, đồng thời hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề đầu tư không thích hợp. Sau nhiều năm sụt giảm cả về số lượng dự án lẫn tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư, năm 2017, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đón một làn sóng đầu tư mới với gần 70 dự án cả trong và ngoài nước, với số vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD và 40 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2016, hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng khá:
"Vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước chiếm trên 80% tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh cũng xác định đây là nguồn lực chủ yếu để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đề ra nhiều giải pháp để thu hút được nguồn lực này. Trong hai năm qua, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy tiến độ triển khai của các dự án." Ông Lê Hoàng Hải nói,
Với chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh này tích cực hoàn thiện cơ chế, loại bỏ những rào cản gây khó cho nhà đầu tư như: rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, tiết giảm thời gian thông quan hàng hóa; đồng thời xây dựng một bộ máy chính quyền minh bạch, thân thiện với các nhà đầu tư,...
Theo ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian tới, tỉnh quyết giữ môi trường đầu tư một cách tích cực, không ảnh hưởng đến chất lượng phát triển bền vững của tỉnh. Mục tiêu nhất quán của tỉnh là phát triển kinh tế nhưng không để lại hậu quả cho các thế hệ sau này, không xâm hại môi trường, không tăng dân số cơ học, không tăng quy mô đô thị, không biến thành bãi rác công nghệ:
"Tiềm lực của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn nhiều, tuy nhiên, hiện nay tỉnh không chủ quan mà tinh thần hiện nay là chậm nhưng chắc. Sắp tới những dự án đầu tư không cần thông qua UBND tỉnh nữa, chỉ cần thông qua Ban Quản lý Khu công nghiệp, chịu trách nhiệm toàn bộ. Tỉnh ủy quyền cho Ban quản lý Khu công nghiệp quyết định." Ông trình nói,
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tổng thể kinh tế của tỉnh, thu nội địa và thu từ xuất nhập khẩu sẽ ngày càng lớn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao; còn thu từ dầu khí sẽ ngày càng giảm. Do vậy, tỉnh sẽ không dựa vào nguồn thu từ dầu khí, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tăng nguồn thu từ nội địa và từ doanh nghiệp nước ngoài: "Lãnh đạo tỉnh sẽ xây dựng một nền kinh tế không lệ thuộc vào dầu khí. Tỉnh thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hàng xuất khẩu và công nghiệp hạ nguồn của hóa dầu. Quyết tâm đưa cảng biển và logistics thành một mũi đột phá kinh tế của tỉnh. Trụ cột kinh tế thứ ba là du lịch. Trụ cột thứ tư là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để nói đến Bà Rịa – Vũng Tàu là nói đến nhiều nội hàm kinh tế đa dạng như vậy."
Trong thời gian tới, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, làm sao để người dân và doanh nghiệp bỏ tiền vào mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu để đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế, tập trung hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.