(VOV5) - Đây là thời điểm hết sức thích hợp để Việt Nam có chiến lược bán dẫn tương thích, khi mà các quốc gia trong khu vực và thế giới đều đã có chiến lược rõ ràng thu hút đầu tư về chip bán dẫn.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Ngành công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, được xem là nền tảng của 3 chuyển đổi quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.
Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam tập trung vào các đột phá: hoàn thiện thể chế, đồng bộ hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ảnh minh hoạ: Quốc Dũng/TTXVN |
Hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Tại Việt Nam, với quyết tâm chính trị cao, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam có lợi thế rất lớn để khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: NIC |
Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: "Thời gian qua, rất nhiều chủ tịch các tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới đến Việt Nam, như CEO của Nvidia, Lam Research, Global Foundary, hay các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn, đóng gói kiểm thử bán dẫn, như Coherent, Amkor, Intel.. đều đã có mặt ở Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đang có một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn rất tốt, đây chính là yếu tố để cho các doanh nghiệp trên thế giới họ tìm đến Việt Nam. Đặc biệt, với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới, thì Việt Nam là một trong những quốc gia được lựa chọn và có nhiều cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng này."
Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, Chiến lược có lộ trình 3 giai đoạn với 5 mục tiêu cụ thể, gồm: tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Dưới góc độ tiếp cận của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần bán dẫn Tập đoàn công nghệ FPT (FPT Semiconductor), chia sẻ đây là thời điểm hết sức thích hợp để Việt Nam có chiến lược bán dẫn tương thích, khi mà các quốc gia trong khu vực và thế giới đều đã có chiến lược rõ ràng thu hút đầu tư về chip bán dẫn, để đưa ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cất cánh: "Đây là lần đầu tiên các công ty bán dẫn được đề cập đến, được Chính phủ hỗ trợ nhiệt tình và cũng có rất nhiều những điểm mới trong Chiến lược mới ban hành của Chính phủ. Là người trong cuộc, FPT cảm thấy rất mừng, nhận thấy đây là cơ hội rất tốt cho cho Việt Nam nói chung và những công ty Việt Nam, nói riêng có thể đi sâu hơn, phát triển tốt hơn, qua đó có thể nâng tầm Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu."
Đến nay, về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang dần cơ bản hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng đáp ứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, như: hệ thống truyền tải điện từ Bắc đến Nam, hệ thống nước sạch, sửa chữa, nâng cấp hệ thống sân bay, cảng biển. Cùng với đó, có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, vốn, cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 50 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực này.
Đánh giá cao sự quyết tâm từ Chính phủ Việt Nam, nhiều chuyên gia, đối tác quốc tế khẳng định cùng đồng hành với Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn toàn cầu khu vực Đông Nam Á, cho biết: "Thị trường bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ đạt được 31,39 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,48% trong giai đoạn từ năm 2024 cho đến năm 2029.
Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành bán dẫn thông qua các chính sách cũng như các chiến lược, chúng tôi cam kết phát triển thế hệ chuyên gia có kỹ năng thông qua các chương trình toàn diện, đào tạo lại kỹ năng cho nhân lực phục vụ ngành. Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) sẽ tiếp tục hỗ trợ những tham vọng của Việt Nam mở rộng dấu ấn trong lĩnh vực bán dẫn thông qua các chương trình toàn cầu của chúng tôi."
Công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, vi mạch chip bán dẫn được ví như “hạt gạo trong nền kinh tế số”. Gần 40 năm trước, Việt Nam đã có đột phá thể chế quan trọng với công cuộc cải cách, mở cửa, đưa đất nước thoát nghèo nhờ xuất khẩu gạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Giờ đây, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đưa “hạt gạo của nền kinh tế số” thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, kinh tế toàn cầu nói chung. Quyết tâm chính trị cùng với một tầm nhìn dài hạn, chiến lược, sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam huy động tối đa mọi nguồn lực, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu