Bảo đảm an ninh lương thực gắn với hiệu quả sản xuất nông nghiệp

(VOV5) - An ninh lương thực luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng lúa ngày càng giảm do nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị hoá và tình trạng biến đổi khí hậu  toàn cầu đang diễn ra ngày càng phức tạp, tác động tới sản xuất nông nghiệp.

 Vấn đề đặt ra là làm sao vừa bảo đảm an ninh lương thực, nhưng vẫn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu gạo như mong muốn.


Bảo đảm an ninh lương thực gắn với hiệu quả sản xuất nông nghiệp - ảnh 1
(Ảnh:vietstock.vn)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Sau gần 30 năm thực hiện chính sách đổi mới trong phát triển nông nghiệp, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Giai đoạn từ 1990-2010, kim ngạch xuất khẩu gạo luôn đứng đầu trong các loại nông sản xuất khẩu (trung bình hàng năm xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn). Những năm gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Việt nam chịu nhiều ảnh hưởng suy giảm, thì sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp vẫn là chỗ dựa để kinh tế Việt nam vượt qua thời kỳ khó khăn.

Nhìn lại quá trình tạo nên thành quả đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nhận định: “ Ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1989 chúng ta bắt đầu xuất khẩu gạo, chuyển từ giai đoạn thiếu lương thực sang giai đoạn chúng ta xuất khẩu gạo, đó là nhờ sự kết hợp khoa học, làm ra giống lúa mới năng suất cao hơn với sự đầu tư của Nhà nước, làm thuỷ lợi. Đặc biệt nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước chúng ta đưa ra rất phù hợp, khuyến khích bà con nông dân sản xuất ra nhiều, không chỉ làm giàu cho gia đình  và có dư để xuất khẩu” 

Từ nhiều năm nay, Việt nam không những đã cung ứng đủ lương thực cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn số lượng xuất khẩu gạo ngày càng tăng. Hiện nay Việt nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới và nhiều nước trong khu vực đang cạnh tranh với gạo xuất khẩu của Việt nam. Năm 2012 vừa qua Việt nam đạt mức xuất khẩu gạo 8,1 triệu tấn, đạt giá trị 3,7 tỷ USD. Tuy đạt sản lượng xuất khẩu cao, nhưng về giá trị gạo xuất khẩu của Việt nam vẫn thua kém so với các quốc gia trồng lúa gạo trong khu vực như: Thái Lan, Ấn độ...

Trước thực trạng đó, các nghị quyết của Quốc Hội và Chính phủ Việt nam đều nhấn mạnh tới các giải pháp nhằm cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Trong đó các giải pháp được chú trọng là việc nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng đất, tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật, giống lúa nhằm nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt trên thị trường. Một vấn đề nữa đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay là diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình phát triển đô thị hoá và ảnh hưởng tác động của quá trình biến đổi khí hậu. Theo tính toán, mỗi năm Việt nam sẽ mất khoảng 1% đất trồng lúa.

Để giữ vững an ninh lương thực lâu dài và đảm bảo xuất khẩu, vấn đề cấp bách đặt ra là phải kiểm soát chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch đất trồng lúa. Quy hoạch này phải dựa trên cơ sở thông số về tỷ lệ dân số, nhu cầu lương thực và tình trạng biến đổi khí hậu. Tiến sỹ Nguyễn Văn Ngải, chuyên gia kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: “Nếu chúng ta tiếp tục chuyển diện tích đất trồng lúa sang trồng cây khác, nuôi trồng thuỷ sản hay phục vụ quá trình đô thị hoá thì chắc chắn diện tích trồng lúa sẽ bị giảm. Để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần tìm giải pháp tăng năng suất lúa trên một đơn vị diện tích và hạn chế những tác hại do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu”  

Để đảm bảo an ninh lương thực, Chính phủ Việt nam đã có đề án về bảo đảm an ninh lương thực. Từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo quỹ đất lúa sẽ giữ ở mức 3,8 triệu ha để có sản lượng 41 - 43 triệu tấn lúa, đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo/năm. Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngành nông nghiệp phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực, bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30%  so với giá thành sản xuất. Đảm bảo an ninh lương thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế bền vững, đồng thời  góp phần nâng cao hơn nữa mức sống, thu nhập của người dân./.

Phản hồi

Các tin/bài khác