(VOV5) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công thương đánh giá cụ thể hơn nữa tình hình thực hiện chuyển đổi năng lượng thời gian qua.
Sáng 2/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Năng lượng quốc gia đề cập trong Dự thảo Quy hoạch gồm: Than, xăng dầu, khí, năng lượng tái tạo và điện. Dự thảo đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5%-7,5% trong giai đoạn từ 2030 - 2050.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: baochinhphu.vn |
Để thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp từ 15% - 20% thời điểm năm 2030 và định hướng khoảng 80% - 85% thời điểm năm 2050. Đặc biệt, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, phấn đấu đến năm 2030, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công thương đánh giá cụ thể hơn nữa tình hình thực hiện chuyển đổi năng lượng thời gian qua; cập nhật các cam kết của Việt Nam, như: cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net zero), xu thế tất yếu của chuyển đổi năng lượng thời gian tới.
Trong giải pháp tổng thể của quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị phải thống nhất giữa các phân ngành năng lượng: “Cần có nghiên cứu việc sử dụng các nguồn năng lượng mới, như: hydrogen, amoniac, điện hạt nhân… Trong Quy hoạch, chúng ta chưa tính đến một số nguồn năng lượng chúng ta có thể làm được. Ví dụ như nguồn năng lượng sóng biển, điện nhiệt… Tại sao chúng ta không nghiên cứu nếu như chúng ta có đầu tư. Tôi nghĩ đấy là những nguồn năng lượng vô tận trong tương lai”.