(VOV5) - Việt Nam được biết đến là trung tâm gia công phần mềm của Đông Nam Á.
Bài viết “Tiếng gầm của 1 con hổ châu Á mới” mới đây trên tờ Business Times (Singapore), nhật báo tài chính duy nhất của Singapore, đưa ra nhận định nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đang trên đà vươn mình trở thành “con hổ châu Á mới”, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản và tầng lớp giàu có.
Theo tờ báo tiếng Anh này, Việt Nam ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,6% vào năm 2021, và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ tăng tốc trong năm 2022. Business Times cũng dẫn dự báo của công ty nghiên cứu tài chính DBS (Singapore) cho biết tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8% vào năm 2022, được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ phù hợp.
Bên cạnh đó, báo cáo về sở hữu tài sản mới nhất của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) ước tính, có khoảng 19.500 triệu phú USD (có tài sản trị giá ít nhất 1 triệu USD) ở Việt Nam tính đến năm 2020. Đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng vọt gần 25% lên 25 nghìn người.
Business Times cũng chỉ ra những đổi thay mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Đó là: thứ nhất, sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Thứ hai là môi trường khuyến khích khởi nghiệp. Việt Nam được biết đến là trung tâm gia công phần mềm của Đông Nam Á, nơi mà lao động trình độ cao và tiền lương đang là điểm hấp dẫn để các công ty công nghệ tạo nền tảng phát triển. Thứ ba là sự bùng nổ năng lượng tái tạo. Việt Nam hiện là quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, với 16,6 gigawatt công suất lắp đặt tính đến năm 2020. Thứ tư, bên cạnh bùng nổ về tài sản và phục hồi kinh tế mạnh mẽ, sự phát triển mạnh của thị trường bất động sản tại Việt Nam đã thu hút vốn từ nhiều công ty bất động sản Singapore.
Và cuối cùng là nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn. Ngành xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022, khi một số dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn chuyển sang các giai đoạn phát triển mới.