Nếu như nguồn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế sụt giảm được giải thích từ bối cảnh khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho lớn và nguồn vốn nhàn rỗi hạn hẹp đi, thì nguồn tiền gửi của dân cư lại được xem là một minh chứng cho niềm tin vào hệ thống.
Một thước đo về an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dễ chịu nhất trong những năm gần đây, do có sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn của dân cư.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục có sự cải thiện đáng kể.
Giảm bớt độ “nóng”
LDR là một trong những thước đo về an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, LDR từng được quy định giới hạn trong Thông tư 13, như một chỉ báo an toàn về thanh khoản bên cạnh quy định cụ thể về các tỷ lệ khả năng chi trả.
Diễn biến trạng thái LDR của Việt Nam được cho là “nóng” so với nhiều nước trong khu vực những năm gần đây. Tập hợp dữ liệu của một số tổ chức quốc tế cho thấy, tỷ lệ LDR của Việt Nam những năm 2009 - 2011 thường duy trì ở mức cao, từ trên 100% cho tới gần 120%; trong khi nhiều nước trong khu vực phổ biến dưới 100%, như năm 2011 của Thái Lan là 95,8%, Malaysia 79,3%, Indonesia 75,5%, Philippines 62,6%...
Thông thường, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động càng cao thì khả năng chống đỡ thanh khoản của tổ chức tín dụng càng yếu đi trước rủi ro tiền gửi bị rút đột ngột. Một tỷ lệ cao như vậy cũng phản ánh cho khó khăn thanh khoản gần như thường trực những năm gần đây của hệ thống.
Mặt khác, LDR cao cũng góp phần giải thích vì sao nhiều ngân hàng khó nâng thêm tử số, đẩy mạnh cho vay ra, tín dụng tăng trưởng thấp từ đầu năm đến nay. Lãi suất cho vay theo đó thường ở mức cao và khó giảm, một phần lớn do áp lực mở rộng mẫu số vốn huy động qua cạnh tranh lãi suất…
Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, LDR của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã có sự cải thiện khá nhanh chóng.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố và cập nhật thời gian qua, LDR chung của hệ thống (tính trên thị trường 1) cuối năm 2011 vẫn ở mức 103,23%, nhưng đã giảm khá nhanh trong những tháng gần đây. Đến tháng 4/2012 là 94,73%, tháng 5 còn 91,6%, tháng 6 còn 90,97% và cập nhật mới nhất đến tháng 7/2012 đã xuống 89,79%.
Bên cạnh giá trị một chỉ báo về thanh khoản, sự cải thiện khá nhanh của tỷ lệ này còn là cơ sở để góp thêm điều kiện cho tín dụng có thể tăng trưởng hợp lý hơn thời gian tới, xét về phía các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, điều kiện này ở mỗi ngân hàng, mỗi nhóm còn khác nhau khá lớn.
Như dữ liệu cập nhật đến 31/7/2012, tỷ lệ LDR vẫn còn khá cao ở khối ngân hàng thương mại nhà nước (102,52%), các công ty tài chính và cho thuê tài chính (123,67%), song khối ngân hàng cổ phần có tỷ lệ thấp hơn hẳn với 73,66%.
Niềm tin của dân cư hay bế tắc kênh đầu tư?
Có hai yếu tố tạo nên chuyển biến LDR từ đầu năm đến nay. Thứ nhất, tử số là tín dụng hạn chế, tăng trưởng không đáng kể và mới chỉ nhích tăng vài tháng gần đây do nhiều lý do khác nhau. Thứ hai, mẫu số là nguồn vốn huy động lại có sự tăng trưởng vượt trội.
Cụ thể, ước tính đến tháng 8/2012 so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ 1,4% nhưng huy động vốn tăng trưởng tới 11,23%.
Ở yếu tố thứ hai, có một diễn biến nổi bật từ đầu năm là: tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế liên tục ở trạng thái âm so với năm 2011 (có những tháng đầu năm giảm tới 5 - 6%), trong khi nguồn vốn từ dân cư có tốc độ tăng trưởng cao (đến tháng 6/2012 tăng tới 17,18%). Hay nói cách khác, nguồn vốn từ dân cư đã có sự hỗ trợ tích cực cho việc cải thiện tỷ lệ LDR của hệ thống.
Nếu như nguồn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế sụt giảm được giải thích từ bối cảnh khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho lớn và nguồn vốn nhàn rỗi hạn hẹp đi, thì nguồn tiền gửi của dân cư lại được xem là một minh chứng cho niềm tin vào hệ thống.
Niềm tin đó được đặt trong bối cảnh lãi suất huy động 5 lần liên tiếp giảm từ tháng 3/2012 cho đến nay, từ mức trần 14%/năm xuống chỉ còn từ 9% - 12%/năm.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, dù lãi suất liên tục giảm song tiền gửi dân cư vẫn tăng trưởng cao lại phản ánh một phần của sự bế tắc trong các kênh đầu tư từng hút vốn mạnh những năm trước đây, đặc biệt là sự suy giảm và khó khăn của kênh bất động sản, chứng khoán, hay khó khăn trong sản xuất kinh doanh cá thể… Theo đó, gửi ngân hàng là lựa chọn phổ biến trong dân cư thời gian qua.
Theo vneconomy