(VOV5) - Bình Dương đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng, khu vực.
Với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước mở đường cho sự đột phá, Bình Dương đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng, khu vực. Đây cũng là một trong 4 chương trình đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11 đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng đến 2030.
Nghe âm thanh tại đây:
Sau gần 1 năm thi công, cầu vượt tại nút giao 550 trên đường ĐT.743, đoạn qua thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, đã thông xe hồi đầu năm nay. Cầu có chiều dài hơn 203m, quy mô 4 làn xe, giá trị xây dựng khoảng 115 tỷ đồng. Nút giao 550 là điểm kết nối nhiều khu công nghiệp trong tỉnh, là đầu mối giao thông tỏa đi Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, nên thường xuyên bị kẹt xe.
Do đó, việc đưa vào sử dụng cầu vượt sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông ở khu vực này. Ông Lê Văn Hựu, người dân thường xuyên lưu thông qua đoạn đường này, cho biết: “Tại đây, trong nhiều năm qua, được xem là "điểm nóng" về kẹt xe, ùn ứ. Việc kẹt xe, ùn ứ ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông, giao thông trong khu vực. Khi cây cầu này được đưa vào hoạt động, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt và tình trạng kẹt xe, ùn ứ tại nút giao lộ này không còn xảy ra nữa".
Cây cầu nối Bình Dương và Tây Ninh đã hoàn thành vào đầu năm 2023 Ảnh: BQL. |
Phấn khởi, vui mừng là tâm trạng chung của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh Bình Dương khi đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành, (huyện Bắc Tân Uyên), đến ngã ba Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên), được khởi công, mở rộng từ 2 làn xe lên 6 làn xe, với chiều dài 11,4 km. Đây là tuyến đường chính vào khu công nghiệp VSIP III nhưng rất nhỏ hẹp, gây khó khăn cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Chính bởi vậy, khi tỉnh Bình Dương thực hiện chủ trương mở rộng đường, hơn 1.000 hộ dân đã rất đồng tình ủng hộ, sớm thực hiện chủ trương giao đất cho chủ đầu tư dự án với hy vọng con đường sớm được hoàn thiện.
Bà Trương Thị Minh Trang, người dân ở khu phố 5, phường Hội Nghĩa, chia sẻ: “Nếu dự án đường này hoàn thành hy vọng khu phố 5 sẽ sánh vai được các khu phố khác của phường Hội Nghĩa, bởi vì trước đến nay khu phố không phát triển bằng vì đường sá không phát triển bằng. Tin rằng, bộ mặt phường Hội Nghĩa sẽ được thay đổi một cách rõ rệt, người dân sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt là dịch vụ”.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, Bình Dương đang triển khai thực hiện tiếp Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên đường Mỹ Phước-Tân Vạn; hoàn thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng; nâng cấp các tuyến đường ĐT.746, ĐT.747B, ĐT.743. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên các tổ công tác, theo dõi chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, cho biết người dân rất trông chờ vào tiến độ thi công, chất lượng Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng. Do đó, các cấp chính quyền địa phương đang theo dõi sát việc triển khai thực hiện, nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt, phấn đấu hoàn thành đoạn đường qua Phú Giáo trước tháng 12/2023: “Đây là trục đường rất quan trọng đi qua địa bàn Phú Giáo. Với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Phú Giáo thì đoạn đường này đang có tiến độ thực hiện nhanh và cố gắng hoàn thành trước thời gian theo kế hoạch".
Cầu vượt thép 550 đưa vào hoạt động giảm ùn tắc giao thông đường ĐT.743 và nút giao 550. Ảnh: Thiên Lý. |
Để tạo động lực cho sự phát triển liên Vùng, ngoài việc đưa vào sử dụng cây cầu nối đường ĐT.744 của thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, với Dự án đường Đất Sét-Bến Củi, thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, Bình Dương cũng đang dồn lực xúc tiến triển khai các dự án, như: Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; phối hợp với các địa phương thực hiện dự án cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương-Đồng Nai; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên sông Sài Gòn nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết để có nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, Bình Dương đang vận dụng rất nhiều biện pháp:“Tỉnh sẽ tập trung nguồn thu qua việc thực hiện rà soát, đấu giá một số quỹ đất công, phát triển các khu đô thị, khu dân cư dọc các tuyến đường, qua đó thu một khoản lớn về tiền sử dụng đất, qua đó phục vụ ngược lại cho công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng. Nguồn xã hội hóa rất là quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh tiếp tục thực hiện dự án BOT Quốc lộ 13, dự án OM, BOT trên tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn để huy động nguồn lực doanh nghiệp đầu tư các tuyến đường này. Hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư lồng ghép thực hiện các tuyến đường đi ngang khu công nghiệp, khu đô thị và sẽ được tính toán vào chi phí đầu tư hạ tầng”.
Những dự án giao thông đã, đang dần hoàn thiện, không chỉ thay đổi diện mạo đô thị của Bình Dương, khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, mà còn sớm thúc đẩy sự liên kết trong phát triển của Bình Dương với các địa phương khác, như chương trình đột phá chiến lược mà nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11 đã đề ra.