(VOV5) - Bình Dương đang quy hoạch, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư.
Không chỉ được biết đến là tỉnh công nghiệp, Bình Dương đang phát triển mạnh về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Hướng đi đó góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bình Dương được biết đến là tỉnh công nghiệp, có chỉ số phát triển công nghiệp rất nhanh và cao. Mặc dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%, nhưng, Bình Dương có nhiều điều kiện và tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương, thời gian qua, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Bình Dương đã tạo được cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.
Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, cho biết: "Tỉnh luôn xác định nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng, giúp đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Bình Dương. Vì vậy, trong nhiều năm qua tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, trong đó tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất sản phẩm và giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị trên 1ha canh tác. Đến nay, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, giảm sử dụng sức lao động nông nghiệp, tăng hiệu quả là vấn đề quan trọng".
Thời gian qua, đã có nhiều các doanh nghiệp thành công trong đầu tư vào phát triển nông nghiệp ở Bình Dương. Các doanh nghiệp đầu tư mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp nên diện tích cây trồng, vật nuôi ở Bình Dương tăng hàng năm. Tính đến năm 2021, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị ở Bình Dương đạt hơn 172ha, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 5.500ha.
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm). Ảnh: tuoitrethudo.com.vn |
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt đã được nông dân áp dụng phổ biến trên địa bàn tỉnh, chủ yếu trồng các loại cây có giá trị như rau, nấm, cây ăn quả, hoa lan, cây cảnh,... trồng trong nhà lưới (rau thủy canh, nấm, hoa lan,...). Đặc biệt, mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng trên 700 ha, cung cấp cho nội địa và xuất khẩu.
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các quốc gia nông nghiệp hàng đầu thế giới như Israel, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, chia sẻ: "Bên cạnh các chuyên gia người Israel, chúng tôi đã mời các chuyên gia Philippines. Philippines là một đất nước nổi tiếng trồng chuối thì chúng tôi mời họ để cùng nhau gây dựng những đồng chuối, từng bước phát triển đồng chuối có năng suất cao, chất lượng tốt. Áp dụng công nghệ cao nhưng phải có giá trị kinh tế cao thì khi đó mới thuyết phục được người dân. Họ nhìn vào, đến tham quan từ đó chúng tôi mới chuyển giao công nghệ cho họ".
Hiện nay, Unifarm đang đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Bình Dương, bao gồm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái diện tích hơn 400 ha; Dự án trồng chuối ứng dụng công nghệ cao tại các xã Thanh An, Minh Tân, Long Hòa với quy mô 1.200 ha thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương…Có được kết quả này là nhờ các chính sách ưu đãi của tỉnh trong việc thu hút đầu tư và nông nghiệp. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Hồ Trúc Thanh cho biết: "Sở NN và PTNT đã phối hợp với quỹ đầu tư phát triển để thẩm định, giải quyết nhu cầu vốn cho nông dân của tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng đã tập trung đưa ra các giải pháp tạo mô hình liên kết, tăng chuỗi liên kết cho sản xuất, đến nay đã hình thành được các hợp tác xã góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm".
Màu xanh bát ngát của chuối ở Unifarm. Ảnh: tuoitrethudo.com.vn |
Xác định rõ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là cơ hội cho phát triển nông nghiệp trong tương lai, Bình Dương đang quy hoạch, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Địa phương này cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tận dụng tối đa cơ hội của từ cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, ngành chức năng của tỉnh tăng cường vai trò làm đầu mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Với định hướng phát triển rõ ràng kèm theo những chính sách hỗ trợ hiệu quả, Bình Dương mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp chọn tỉnh làm điểm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó góp phần đưa nền kinh tế Bình Dương phát triển cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp. Đây sẽ là “đòn bẩy” giúp Bình Dương trở thành một trong bốn trụ cột không thể thiếu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.