Bình Dương quyết tâm xanh hóa các khu công nghiệp

(VOV5) - Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị chủ đầu tư các KCN rà soát, cải tạo để đảm bảo ít nhất 25% diện tích KCN dành cho cây xanh. 

Với định hướng phát triển công nghiệp bền vững gắn với đô thị thông minh, hiện nay, tỉnh Bình Dương đang hình thành các khu công nghiệp (KCN) xanh nhằm thu hút dòng vốn “sạch”, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Trước định hướng của tỉnh, các doanh nghiệp cũng đã tự chuyển đổi để phù hợp với xu thế chung.

Bình Dương quyết tâm xanh hóa các khu công nghiệp - ảnh 1Bình Dương đặt mục tiêu sẽ trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế vào năm 2050. Ảnh: Thiên Lý/VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Bình Dương hiện có 33 khu công nghiệp (KCN), trong đó, 28 khu đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 11.960 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 93%. Theo quy hoạch đến năm 2030, Bình Dương sẽ phát triển thêm 10 KCN với diện tích khoảng 16.000 ha. Đối với các khu mới, Bình Dương nghiên cứu phát triển KCN sinh thái, thu hút đầu tư ở các lĩnh vực: tự động hóa, quy trình thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Ông Trương Văn Phong, Phó Ban quản lí các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết để có quỹ đất mở rộng các KCN, Bình Dương đang hoàn thiện các quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó, ưu tiên phát triển các KCN ra các huyện phía Bắc của tỉnh: “Định hướng phát triển sắp tới là tỉnh sẽ phát triển các KCN theo mô hình KCN sinh thái, KCN xanh. Tỉnh cũng sẽ quy hoạch vành đai KCN ở phía Bắc để tập trung thu hút các dự án đầu tư, bố trí di dời các dự án nằm xen kẽ trong khu dân cư ở khu vực phía Nam lên phía Bắc.” 
Bình Dương quyết tâm xanh hóa các khu công nghiệp - ảnh 2Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: binhduong.gov.vn

Việc phát triển KCN sinh thái xanh là xu thế toàn cầu và đang được Bình Dương triển khai. Tuy nhiên, khó nhất của tỉnh là phải chuyển đổi các KCN truyền thống sang hiện đại. Do đó, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư các KCN rà soát, cải tạo để đảm bảo ít nhất 25% diện tích KCN dành cho cây xanh. Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu áp dụng các giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch, ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp. Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư theo quy định: “Tỉnh sẽ đầu tư các đường chính vào KCN để vừa kết nối, quản lý an ninh trật tự, vừa hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp trong thời gian tới để vừa chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, chuyển đổi thông minh, sinh thái.”

Ngoài chuyển đổi các KCN, Bình Dương cũng khuyến khích, động viên các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh, hướng đến bảo vệ môi trường. Xác định mô hình sản xuất xanh đang là xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã và đang chuyển đổi sang xu thế phát triển xanh. 1 trong những doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong hoạt động này là nhà máy của tập đoàn LEGO (Đan Mạch), đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3). Tập đoàn LEGO đề ra mục tiêu giảm thiểu các tác động đến môi trường, do đó, chỉ trong 1 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, LEGO đã hoàn thành việc trồng 50.000 cây xanh tại khu vực nhà máy. Với số lượng cây mới được trồng gấp hai lần số cây đã bị di dời để xây dựng nhà máy, dự án đã trồng bảy loại cây khác nhau có nguồn gốc từ Việt Nam, để sự đa dạng sinh học được phát triển thuận lợi trong dài hạn. Nhà máy LEGO tại Việt Nam được thiết kế nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn, bao gồm giảm 37% lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2032.

Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO kiêm Tổng Giám đốc LEGO Manufacturing Vietnam, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm giải pháp tự tạo ra nguồn năng lượng để tiêu thụ trong nhà máy. Chúng tôi lựa chọn giải pháp năng lượng mặt trời. Nguồn năng lượng này được chúng tôi lấy từ những tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái của nhà máy, đồng thời 1 phần được đặt trên bãi đỗ xe ô tô và xe máy. Bên cạnh nhà máy cũng dành ra 1 diện tích khá lớn làm khu đặt pin năng lượng để tạo ra năng lượng cho chúng tôi. Do đó, nguồn năng lượng chính của chúng tôi sẽ được lấy từ năng lượng mặt trời.”

Chuyển sang sản xuất xanh cũng giúp doanh nghiệp tăng vị thế cạnh tranh, tuy nhiên chuyển đổi sản xuất xanh và bền vững cũng còn nhiều khó khăn về các thủ tục, do đó, doanh nghiệp kiến nghị có những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, hành lang pháp lý thông thoáng. Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, cho biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp với sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp, đối với những khó khăn của doanh nghiệp, các đơn vị phải nắm được và xử lý: “Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ dành nhiều thời gian để làm việc với cộng đồng doanh nghiệp để tìm hiểu doanh nghiệp có khó khăn gì, đề xuất gì, nghẽn ở điểm nào thì tháo gỡ khó khăn ở điểm đó. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo lên Trung ương. Với cách làm này, chúng ta cùng bắt tay, đồng hành với nhau để cùng đi xa, thành công và phát triển.”

Hình ảnh Bình Dương năng động quyết tâm xanh hóa các khu công nghiệp đã và đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp trọng điểm tại Việt Nam. Đây sẽ là nguồn lực để Bình Dương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững hơn, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Bình Dương phát triển thịnh vượng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác