Bình Dương - Địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước

(VOV5) - Với việc có 5 thành phố, Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như có thêm động lực để phát triển trong tương lai.

Thị xã Bến Cát chính thức trở thành thành phố thứ 5 trực thuộc tỉnh Bình Dương từ ngày 01/05/2024. Việc thành lập thành phố Bến Cát là thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương, sau Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt đối với chính quyền và nhân dân Bến Cát, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh Bình Dương.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

 Nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, thành phố Bến Cát có diện tích tự nhiên hơn 234 km2, dân số trên 364.000 người, có 8 đơn vị hành chính cấp xã. Sau 10 năm trở thành thị xã, Bến Cát đã từng bước trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có kinh tế phát triển năng động, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nâng cao. Đây là nền tảng quan trọng để Bến Cát đủ các điều kiện chính thức trở thành thành phố thứ 5 trực thuộc tỉnh Bình Dương từ đầu tháng 5 vừa qua.
Bình Dương - Địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước - ảnh 1Bến Cát là địa phương thứ 5 của Bình Dương lên thành phố. Ảnh: VOV

Việc thành lập thành phố Bến Cát mở ra những tiềm năng, lợi thế cho việc thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bến Cát, cho biết:      "Ngay sau khi lên thành phố chúng tôi tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nguồn lực, để địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, về văn hóa xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời kiến nghị tỉnh tập trung chỉ đạo để sớm triển khai các dự án công trình trọng điểm trên địa bàn."

Đô thị Bến Cát, ở vị trí trung tâm, nối liền thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên và các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương. Định hướng đô thị Bến Cát đến 2030 là đô thị công nghiệp - dịch vụ; đến 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông, trong đó, định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, có công nghệ cao.

Bình Dương - Địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước - ảnh 2Thành phố Tân Uyên đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trở thành một trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại. Ảnh: VOV

Như vậy, đến nay, tỉnh Bình Dương đã có các thành phố, gồm: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát, trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước đến thời điểm hiện tại có 5 thành phố. Không chỉ vậy, Bình Dương là tỉnh duy nhất tại Việt Nam vinh dự nằm trong top 1 danh sách cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới năm 2021. Đây là niềm vui, niềm tự hào của đông đảo người dân địa phương.

Anh Tô Huỳnh Anh Tuấn, người dân phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, chia sẻ: "Thời gian qua, Bình Dương đã trải qua nhiều sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là sự đầu tư về cơ sở hạ tầng dịch vụ, giáo dục… qua đó, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đồng thời cải thiện hơn đời sống người dân.

Theo Tổng cục Thống kê, Bình Dương, có tổng diện tích 2.700 km2, dân số 2,8 triệu người (tính đến năm 2023), là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, đạt khoảng 8,29 triệu đồng/tháng. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 10% trên năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người hơn 15.700 USD.

Theo quy hoạch phát triển, đến năm 2030, Bình Dương nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là 1 trong những trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ năng động, toàn diện của khu vực. Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ mang tầm khu vực và quốc tế, là 1 trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc và cạnh tranh cao với mục tiêu lớn nhất là vượt qua bẫy thu nhập trung bình để Bình Dương trở thành vùng đất hiện đại, nhân văn, hài hòa và bền vững.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030 diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:"Bình Dương rất có lợi thế trong việc kết nối giữa các vùng với nhau. Khi phát triển được hệ thống giao thông tốt sẽ tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ mới, hoặc tạo ra những giá trị mới, sự đi lại thuận lợi cho người dân, giảm chi phí logistic, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Cần lưu ý con người là yếu tố quyết định. 

Quy hoạch tỉnh Bình Dương sau khi được triển khai thực tiễn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Dương nói chung và các thành phố trực thuộc tỉnh cũng như đơn vị hành chính các cấp phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng công nghệ - thông tin, nhân lực một cách hiệu quả… Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An, cho biết: "Đô thị Thuận An được xác định là cửa ngõ của tỉnh Bình Dương, là đô thị kết nối với các đô thị phía Bắc của tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi có quy hoạch tỉnh, chúng tôi tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Trong đó, chú trọng triển khai đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, để kết nối không gian phát triển đô thị, qau đó, tạo động lực phát triển mới cho Thuận An và động lực phát triển mới cho các vùng giáp danh của thành phố Thuận An.

Bình Dương mang trong mình tâm thế sẵn sàng khởi động và cất cánh cho 1 giai đoạn phát triển mới với nhiều định hướng mới, động lực mới, niềm tin mới và khát vọng mới về 1 vùng đất giàu có, văn minh và hiện đại; đồng thời là địa phương gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với việc có 5 thành phố, Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như có thêm động lực để phát triển trong tương lai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác