Cao Phong là vựa cam lớn không chỉ của tỉnh Hòa Bình mà của cả miền Bắc. Cam Cao Phong từ lâu đã trở thành thức quả đặc sản nức tiếng của người dân Hòa Bình bởi hương vị ngon ngọt, mọng nước.
Chỉ dẫn địa lý đã góp phần tạo dựng và định vị thương hiệu “Cam Cao Phong” trên thị trường
|
Cao Phong là một huyện miền núi nằm chính giữa tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp huyện Kim Bôi, phía Bắc giáp thành phố Hòa Bình, Tây Bắc giáp huyện Đà Bắc, Tây và Tây Nam giáp huyện Tân Lạc, Đông Nam giáp huyện Lạc Sơn.
Dọc theo quốc lộ 6 nối liền Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, du khách được ngắm nhìn những vườn cam trải dài như một thảo nguyên xanh của huyện Cao Phong. Cam Cao Phong được nhiều người tiêu dùng biết đến như một đặc sản của đất Mường Hòa Bình nhờ những đặc tính chất lượng vượt trội so với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường như: quả đẹp (tròn đều), vỏ mỏng, thơm (túi tinh dầu nổi rõ), vị ngọt đậm, nhiều nước, chua nhẹ...
Theo thạc sĩ Bùi Kim Đồng, Trưởng Bộ môn thể chế tổ chức sản xuất nông nghiệp và nông thôn, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam), những đặc tính quý về chất lượng đặc thù của cam Cao Phong được kết hợp bởi 2 yếu tố quan trọng: điều kiện địa lý đặc thù và kỹ năng sản xuất của người dân Cao Phong. Địa hình vùng cam Cao Phong thuộc dạng đồi núi thoải hình bát úp nên thoát nước tốt, thích nghi cho cây phát triển. Đặc biệt, độ dốc < 120, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng cao và vùng thấp nên hạn chế được sự xói mòn và rửa trôi các chất dinh dưỡng của đất. “Cam là loại cây trồng ưa thích với khí hậu á nhiệt đới, các thời kỳ ra hoa và kết quả yêu cầu nhiệt độ bình quân từ 15–250C. Khí hậu của Cao Phong hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của cây cam, có nhiệt độ thấp nhất từ 15,5-17 0C (tháng 12 - tháng 3), nhiệt độ cao nhất (tháng 5 - tháng 7) đều nhỏ hơn 30 0C và không có tháng nào trong năm có nhiệt độ nguy hiểm đối với cây cam (dưới 12,5 0C hoặc trên 40 0C). Nền nhiệt độ này thấp hơn vùng cam Vinh nên quá trình tích lũy đường không bằng cam Vinh”, thạc sĩ Bùi Kim Đồng cho biết thêm.
Cam Cao Phong đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương
|
Nhiệt độ của Cao Phong luôn thấp hơn các vùng cam đồng bằng khoảng 10C. Đặc biệt, nhiệt độ thấp vào thời kỳ đậu quả (cuối tháng 3, đầu tháng 4) tạo điều kiện cho quá trình biến đổi tinh bột thành đường. Vì vậy, cam Cao Phong có vị ngọt và ít chua hơn so với các vùng cam khác.
Biên độ nhiệt ngày đêm của vùng cam Cao Phong thường cao hơn các vùng cam khác khoảng 20C. Chỉ số này lớn tạo điều kiện cho quá trình biến đổi các chất hữu cơ và tạo ra một số chất thơm. Biên độ nhiệt ngày đêm của vùng cam Cao Phong lớn hơn vùng cam Vinh nên cam Cao Phong có mùi thơm hơn cam Vinh.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, đất trồng cam Cao Phong là đất đồi thấp và tương đối bằng phẳng độ dốc < 100, loại đất Feralit phát triển trên đá macma axit có màu vàng nâu dày trên 1,2 m; hoặc đất Feralit phát triển trên đá vôi có màu vàng nâu nhạt dày trên 1,3 m. Đất giàu dinh dưỡng về các chỉ tiêu Mùn tổng số 0,25± 0,12 (%); P2O5 tổng số 0,32± 0,06 (%); K2O tổng số 0,86± 0,1 (%); Ca++ 4,75 ± 1,4 (lđl/100 gđ); Mg++ 1,2 ± 0,3 (lđl/100 gđ) và pHKCL 5,62± 0,4. Thành phần cơ giới đất cân đối: sét 15 %, limon 23,92% và cát 30,52 % không quá chặt, không quá xốp nên tiêu và giữ nước tốt. Vì vậy, cam Cao Phong ngọt và mọng nước. Trong khi đó, nhiều vùng cam khác có tầng đất hữu hiệu mỏng dưới 60 cm, nghèo dinh dưỡng, khả năng thoát hoặc giữ nước kém nên cam ít nước và kém ngọt.
“Tiềm năng nước ngầm ở Cao Phong tương đối dồi dào, có thể khai thác ở độ sâu trên dưới 20 m và nước có chất lượng khá tốt để tưới cho cam. Mặt khác, do tầng đất dày trên 1 m nên khả năng giữ nước của đất rất tốt. So với vùng cam Vinh bị ảnh hưởng của khí hậu nóng và mùa khô thiếu nước nên độ Brix của cam Vinh thấp hơn cam Cao Phong”, chị Nguyễn Thị Hiền, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết.
Con người, yếu tố quyết định đến chất lượng đặc thù của cam Cao Phong
Ngoài các yếu tố điều kiện địa lý, chất lượng đặc thù của cam Cao Phong còn được quyết định bởi kỹ thuật canh tác của người dân địa phương. Về mặt lịch sử, vùng sản xuất cam Cao Phong được hình thành từ năm 1960, trải qua nhiều thăng trầm đến nay người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất. Cây cam của Cao Phong có chu kỳ kinh doanh dài trên 30 năm trong khi những nơi khác chỉ dưới 15 năm.
So với các nơi khác, cây cam Cao Phong được bón phân hữu cơ hoai mục định kỳ ở mức cao trong suốt quá trình canh tác: bón lót trước trồng 40-60 kg/cây, sau thu hoạch trên 80 kg/cây/vụ kết hợp với vôi để khử chua đất… Ngày nay, nhiều hộ gia đình đã sử dụng đậu tương hoặc cá con ngâm ủ để bón cho cam.
Việc phòng trừ sâu hại, bệnh hại được tiến hành thường xuyên và kịp thời. Những năm gần đây, người dân Cao Phong áp dụng các phương pháp phòng trừ tổng hợp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh. Nhiều vùng cam khác của Việt Nam dễ bị mắc bệnh Greening (chất lượng quả kém, cây chết hàng loạt) nhưng cam Cao Phong gần như ít nhiễm với loại bệnh này.
Cây giống cam Cao Phong là cây ghép nên bộ rễ ăn sâu hút được nhiều chất dinh dưỡng, cây khỏe và có sức đề kháng tốt, hạn chế được sâu bệnh xâm nhập giai đoạn đầu. Trong khi đó, nhiều vùng cam khác sử dụng cây giống chiết có bộ rễ nông, kém phát triển, cành chiết to tiềm ẩn các loại sâu hại, bệnh hại, đặc biệt là bệnh Greening, Tristeza... (Phủ Quỳ - Nghệ An, Hương Sơn - Hà Tĩnh..., làm cho sản xuất bị thu hẹp).
Quá trình chăn sóc có tiến hành cắt tỉa, tạo tán và định quả và chỉ lưu cây những quả cho chất lượng tốt.
Lựa chọn đúng sản phẩm “Cam Cao Phong”
Xây dựng CDĐL “Cao Phong” cho các sản phẩm cam của huyện Cao Phong đã được tiến hành từ năm 2012. Ngày 05/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00046 cho các sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Sản phẩm này tiếp tục được quản lý và phát triển sau bảo hộ thông qua dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình”. Dự án này thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 do đơn vị chủ trì thực hiện là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, trực thuộc Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam). Dự án đã thiết lập và vận hành mô hình quản lý và phát triển CDĐL cho sản phẩm Cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình qua đó đảm bảo chất lượng, phát huy danh tiếng của sản phẩm cam Cao Phong trên thị trường.
Lựa chọn đúng sản phẩm cam Cao Phong
|
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại cam đang được gắn mác là cam Cao Phong, giá bán của những sản phẩm này rất khác nhau, có nơi chỉ 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những sản phẩm cam có nguồn gốc xuất xứ đúng nghĩa từ huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vẫn có giá bán tại thị trường Hà Nội từ 25.000-30.000 đồng/kg. Để không bị nhầm lẫn cam Cao Phong trên thị trường, người tiêu dùng có nhiều cách lựa chọn, mua sản phẩm tại các hệ thống phân phối có uy tín, đặt hàng online với các nhà vườn hoặc các HTX sản xuất kinh doanh cam của huyện Cao Phong, liên hệ với Hội sản xuất và kinh doanh cam huyện Cao Phong, mua sản phẩm có sử dụng bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử, gắn logo chỉ dẫn địa lý “Cam Cao Phong”.
Cam Cao Phong đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam Cao Phong cũng tốt hơn nhờ kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất sạch. Vấn đề đặt ra hiện nay, đó là cần tạo dựng được kênh tiêu thụ ổn định, đảm bảo đầu ra cho người trồng. Việc phát triển thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu cũng là mục tiêu hướng đến trong thời gian tới. Quan trọng nhất là phải giữ được thương hiệu cam Cao Phong, mà điều đó phải bắt đầu từ cái tâm của người sản xuất, mang ra thị trường sản phẩm sạch và an toàn, để có được niềm tin của người tiêu dùng.