(VOV5) - Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở Việt nam. Chiến lược phát triển ngành Cơ khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002. Trong 10 năm qua ngành Cơ khí Việt Nam đã có những thay đổi và phát triển, từng bước hội nhập với ngành Cơ khí thế giới.
|
Ảnh:dantri.com.vn |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trong công cuộc phát triển đất nước, Chính phủ rất quan tâm tới phát triển ngành cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo. Trong 10 năm qua, ngành cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là cơ khí chế tạo, xuất khẩu liên tục tăng; sức cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu không ngừng được nâng lên. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt hơn 251.000 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí đạt được năm 2000. Giá trị xuất khẩu cơ khí cũng đã đạt gần 35% trên tổng giá trị ngành cơ khí, cao hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược. Các lĩnh vực cụ thể của ngành cơ khí như: Sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất xe máy; chế tạo thiết bị cơ khí thủy công; chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện; công nghiệp hỗ trợ... đều có những bước phát triển và đạt kết quả tích cực. Về xuất khẩu, năm 2013, giá trị xuất khẩu cơ khí đạt hơn 13 tỷ USD, đưa ngành cơ khí trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp cơ khí Việt nam chủ yếu chế tạo ra những sản phẩm cơ khí chế tạo, thì thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp cơ khí đã đạt tiến bộ trong sản xuất thiết bị đồng bộ, cung cấp cho các ngành công nghiệp quan trọng như: điện lực, xi măng , công nghiệp mía đường, giấy và bột giấy, phân bón…Mới đây, Tập đoàn dầu khí quốc gia cũng đã chính thức vận hành giàn khoan tự nâng 90 mét nước do công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí sản xuất, đây được coi là bước đột phá của ngành cơ khí Việt nam. Thực tế những năm gần đây, ngành cơ khí chế tạo đứng trước cơ hội phát triển, nhất là các ngành chế tạo máy móc thiết bi, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá cho các ngành công nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ xuất khẩu. Là một đơn vị sản xuất trực tiếp của ngành cơ khí, ông Lại Văn Đàm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cơ khí Đông Anh, chia sẻ: Đối với các thiết bị thì mỗi năm đều thấy có sự phát triển, đối với sản sản xuất trong nước việc chế tạo các máy móc thiết bị rất quan trọng, nó đảm bảo cho năng suất chất lượng sản phẩm được tốt hơn và muốn tham gia vào thị trường thế giới đòi hỏi máy móc công cụ phải hiện đại, tiến tiến thì mới đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo năng suất, chất lượng nâng cao tính cạnh tranh trong hội nhập.
Mặc dù đạt được bước tiến lớn trong tiếp cận công nghệ mới, nhưng mục tiêu ngành cơ khí đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu trong nước đến nay vẫn chưa đạt được. Nhìn chung, tỷ lệ nhập siêu vẫn cao hơn xuất khẩu, trong khi chất lượng sản phẩm cơ khí còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án lớn, đó là còn chưa kể đến năng lực, quản trị doanh nghiệp, sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam do Bộ Công thương vừa tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bởi vậy chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành cơ khí, nhất là cơ khí chế tạo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh: Chiến lược phải gắn với quy hoạch luôn, trong đó xác định rõ sản phẩm và lĩnh vực ưu tiên gắn với cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện. Ví dụ như lĩnh vực ưu tiên cơ khí chế tạo đáp ứng máy cho nông nghiệp, máy cho đánh bắt thủy sản… tiềm năng lớn, thị trường còn đó. Xây dựng chiến lược quy hoạch phải hết sức lưu ý trong điều kiện mới, điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và cạnh tranh chứ không phải kế hoạch theo kiểu bao cấp như trước nữa. Hội nhập rồi thì cạnh tranh vừa phải cạnh tranh ngay trên sân nhà thay thế nhập khẩu, vừa phải tính tới xuất khẩu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách. Từ chính sách đến thực tiễn phải phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp cơ khí và cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngành cơ khí phát triển nhanh trong điều kiện mới./.