Chủ động bình ổn thị trường cuối năm 2013

(VOV5) - Thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Công thương trong tuần đã đưa ra một số giải pháp nhằm mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát giá tiêu dùng trong ba tháng cuối năm 2013. Nội dung này sẽ được chuyển tới quý vị và các bạn qua ghi chép sau của phóng viên đài TNVN

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Các giải pháp bình ổn thị trường của Bộ Công thương được đưa ra trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu có những diễn biến phức tạp. Cùng với những tác động bất lợi khác nhau, thị trường nhiều mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, thực phẩm, khí hóa lỏng, xăng dầu, phân bón…tại Việt Nam có xu hướng tăng theo quy luật thị trường cuối năm. Việc tăng giá này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng, bởi đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng khá lớn của nền kinh tế. Trên thị trường thế giới, giá vàng, ngoại tệ, vật tư, nguyên liệu…có xu hướng bất ổn, là những yếu tố tác động tiêu cực đến mặt bằng giá trong nước. Ông Nguyễn Văn Quốc, giám đốc công ty phân phối hàng tiêu dùng VDC cho rằng: khi nguyên liệu nước ngoài tăng giá thì chắc chắn tác động rất lớn đến đến gía thành phẩm tại thị trường Việt nam. Theo tôi việc giảm thuế nhập khẩu không đủ để bù giá nguyên liệu tăng...vì giá nguyên liệu tăng gấp đôi, trong khi thuế giảm 15-20 phần trăm…


Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước, Bộ Công thương, tăng giá hàng hóa xuất phát từ hai nguyên nhân chính là cung cầu và yếu tố tâm lý. Vì vậy, trong các tháng cuối năm, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại, tăng sức mua và giúp bình ổn giá, nhất là tại các khu vực tập trung người lao động thu nhập thấp như khu công nghiệp, sinh viên, miền núi…Về phía doanh nghiệp có thể kiểm soát xem chi phí đã hợp lý hay chưa, để từ đó loại bỏ những chi phí làm tăng giá sản phẩm. Đây là những yếu tố có thể tiết giảm được trong dịp cuối năm. Ông Nguyễn Đức Thành, phó giám đốc công ty lương thực thực phẩm Vinafoods cho rằng: Chúng tôi cho rằng chi phí sản xuất vẫn có thể tiết giảm được…giá chỉ cao ở phần nguyên liệu cấu thành...Cần xem xét nguyên nhân sâu xa của việc tăng giá, nếu chính  phủ tìm được những nguyên nhân đấy và phối hợp cùng với doanh nghiệp thì tôi tin chắc có thể kiềm chế, điều tiết được giá cả.

Chủ động bình ổn thị trường cuối năm 2013 - ảnh 1


Từ nay đến cuối năm, ba giải pháp trọng tâm tiếp tục được thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường gồm: bảo đảm cân đối cung cầu, không để thiếu hàng, sốt giá và đảm bảo điện cho sản xuất. Theo đó, Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương phối hợp chặt với Cục Quản lý giá Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường trong những tháng cuối năm. Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước, Bộ Công thương nêu rõ: Bộ Công thương thường xuyên có sự theo dõi, đánh giá tình hình và chỉ đạo sát sao, với phương châm đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống. Cái thứ hai là các tổng công ty, tập đoàn, hiệp hội thực hiện nghiêm túc tiết giảm chi phí, cân đối cung cầu và kiềm chế chỉ số tăng giá, cùng có trách nhiệm đẩy nguồn cung lên.


Một trong những nguyên nhân góp phần bình ổn thị trường giá cả là các hàng rào bảo hộ phi thuế quan đang được dỡ bỏ nhiều hơn; thuế suất nhập khẩu theo lộ trình cam kết được cắt giảm. Việc công khai minh bạch mọi chính sách cơ chế quản lý cũng là điều kiện tạo ra thị trường cạnh tranh, giảm giá thành và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Theo ông Lê Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính, công tác điều hành giá cả thị trường đang vận động theo quy luật thị trường: Đến giờ phút này, chúng ta đã thực hiện được rất nhiều loại giá áp dụng cho cơ chế thị trường như yêu cầu của WTO.. hoạch định xoá hết bao cấp giá, xoá bù chéo và bảo hộ qua giá, để thực hiện hoàn toàn theo cơ chế giá thị trường..


Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng sẽ thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan báo chí để định hướng thông tin đúng đắn. Đây chính là giải pháp quan trọng góp phần định hướng tâm lý tiêu dùng, hạn chế thấp nhất tình trạng nâng giá hàng hóa vô lý. Những biện pháp cụ thể như vậy sẽ góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2013./.

Sĩ Lam
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác