(VOV5) - Với 2 doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tham gia Chương trình bình ổn giá từ tết Nhâm Ngọ 2002, đến nay, TP.HCM có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Sáng 21/10, Sở Công thương TP.HCM tổ chức hội thảo Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường. Với 2 doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tham gia Chương trình bình ổn giá từ tết Nhâm Ngọ 2002, đến nay, TP.HCM có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình này. Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng, giá các mặt hàng bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 5-10%.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VOV |
Chương trình đã đảm bảo cân đối cung- cầu hàng hóa, góp phần phát triển đồng bộ hệ thống phân phối, kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng...Qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố phần lớn thường thấp mức hơn bình quân cả nước.
Để nâng cao hiệu quả chương trình, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác liên kết vùng để có nguồn cung với số lượng lớn hơn và kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Danh mục hàng hóa của chương trình cần mở rộng, trong đó cần linh hoạt từng thời điểm, huy động tổng thể các nguồn lực và các thành phần khác nhau tham gia chương trình; nâng cấp chương trình cả về số lượng lẫn các tiêu chuẩn chất lượng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho rằng: "Chương trình hỗ trợ chúng tôi tăng cường đưa hàng tới chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn, trường học, bếp ăn tập thể…Đó là những kênh để hàng bình ổn vào thị trường nhiều hơn và người tiêu dùng có điều kiện sử dụng hàng bình ổn tốt hơn".