(VOV5) - Kinh tế số là động lực mới của một lĩnh vực kinh tế mới, khoảng cách số là điều mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều cần vượt qua.
Phát triển kinh tế số mở ra tiềm năng và không gian phát triển mới to lớn, nhanh chóng tạo sự liên kết giữa các quốc gia, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng kinh tế số là lĩnh vực có tiềm năng và triển khai hợp tác to lớn giữa hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên họp cấp cao với chủ đề "Kinh tế Số - Động lực mới của tăng trưởng". Ảnh: TTXVN |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giáo sư Lưu Anh của Viện nghiên cứu kinh tế Trùng Dương, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá cao việc Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian số. Theo đó, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo bà Lưu Anh, tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật số là rất lớn. Là hai quốc gia láng giềng, hai nước có lợi thế nổi bật về địa lý, đồng thời có sự hỗ trợ rất lớn về trao đổi chính sách, kết nối hạ tầng và thương mại thông suốt trong kết nối và hợp tác giữa “Vành đai và Con đường” với “Hai hành lang, một vành đai”.
Bà nhấn mạnh, theo Tuyên bố chung sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi cuối tháng 6, hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đẩy nhanh hợp tác cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ; bảo đảm thông suốt cửa khẩu biên giới, đẩy nhanh việc nâng cấp mở cửa và kết nối cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thúc đẩy hợp tác cửa khẩu thông minh, đẩy nhanh thực hiện phát triển hài hòa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
“Không nghi ngờ gì, những lĩnh vực hợp tác quan trọng này đều cần có sự hỗ trợ của hợp tác kỹ thuật số. Trung Quốc là quốc gia thương mại điện tử lớn với công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm phong phú về thương mại số, kinh tế số, kho bãi thông minh, cũng như có số lượng lớn nhân tài về công nghệ cao. Hơn nữa, Trung Quốc và ASEAN đang tăng cường hợp tác kinh tế số. Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN, tăng cường hợp tác kỹ thuật số giữa hai nước hết sức quan trọng”, Giáo sư Lưu Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Thượng Phong, Phó Giáo sư Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại Bắc Kinh tán thành quan điểm chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn cầu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông cho rằng, hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và dữ liệu lớn đang thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi của nền kinh tế thực. “Dữ liệu + thuật toán + năng lực tính toán” được tích hợp sâu sắc với các hoạt động sản xuất của nền kinh tế thực để hình thành năng suất kỹ thuật số. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc và đẩy nhanh việc hiện thực hóa hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Theo Phó Giáo sư Thượng Phong, Trung Quốc và Việt Nam có không gian hợp tác rộng lớn và tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực kinh tế số. Việt Nam công bố "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vào năm 2020, đưa ra các mục tiêu và biện pháp phát triển trong các lĩnh vực như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...
“Trung Quốc và Việt Nam có thể hợp tác trong các lĩnh vực sau: Thứ nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Hai nước có thể hợp tác về trung tâm dữ liệu, mạng 5G, cơ sở hạ tầng về năng lực tính toán... Thứ hai là lĩnh vực sản xuất thông minh. Sản xuất là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực như Internet công nghiệp, robot và sản xuất an toàn”, Phó Giáo sư Thượng Phong nhận định.
Bên cạnh đó, Giáo sư Lưu Anh cho rằng, đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên ba trụ cột, gồm thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đều là những lĩnh vực hai bên có thể xem xét thúc đẩy hợp tác. Còn rất nhiều dư địa hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thống nhất tiêu chuẩn số, xây dựng hệ thống số, kết nối hạ tầng số và đào tạo nhân tài số.
Trong việc tăng cường hợp tác kết nối giữa “Vành đai và Con đường” với “Hai hành lang, một vành đai”, Trung Quốc và Việt Nam không chỉ có kết nối cứng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn có sự kết nối mềm trong các quy tắc, tiêu chuẩn và cả sự kết nối lòng dân.
“Kinh tế số là động lực mới của một lĩnh vực kinh tế mới, khoảng cách số là điều mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều cần vượt qua. Tăng cường hợp tác số có thể thu hẹp khoảng cách số và đẩy nhanh hợp tác Trung Quốc-Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số. Đồng thời giúp thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như trao đổi kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi nước, nâng cao phúc lợi của người dân Trung Quốc, Việt Nam cũng như các nước ASEAN”, bà Lưu Anh tin tưởng.