(VOV5) - Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Quang cảnh hội nghị - Nguồn: Bộ Công Thương |
Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Điểm mới ở quy hoạch này so với trước đây là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 31-39% vào năm 2030, tương đương 5.000-10.000 MW. Tỷ lệ này có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam. Tỷ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5-71,5% vào 2050.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đây là bản quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế các-bon thấp: "Việc Quy hoạch điện 8 được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng mới chỉ là bước đầu. Để triển khai thực hiện thành công quy hoạch này, tôi đề nghị các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao làm tốt công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà bản quy hoạch đề ra".
Cũng theo quy hoạch này, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lắp đặt, dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.