Đẩy mạnh đàm phán các FTA mới nhằm mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu

(VOV5) - Phát huy tốt các lợi thế từ các FTA đã có tiếp tục là ưu tiên của Việt Nam trong năm nay.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Trước rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực do áp lực lạm phát, suy giảm kinh tế trên thế giới, ngay từ đầu năm nay, ngành Công Thương đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2022 và tiếp tục duy trì xuất siêu. Cùng với việc duy trì các thị trường truyền thống, cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai thực hiện tốt cam kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, gắn với đẩy mạnh đàm phán các FTA mới để mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Năm 2022, các FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam  (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) , Hiệp định thương mại Việt Nam - Chile, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)... tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Đẩy mạnh đàm phán các FTA mới nhằm mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu - ảnh 1 Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương). Ảnh: hanoimoi.com.vn

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, khẳng định phát huy tốt các lợi thế từ các FTA đã có này tiếp tục là ưu tiên của Việt Nam trong năm nay: "Ưu tiên trong thời gian tới là phải theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp phát triển thị trường truyền thống, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới. Do đó, nhu cầu nắm bắt thông tin và phổ biến thông tin cho doanh nghiệp là ưu tiên.

Bộ Công thương cũng sẽ triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA, UKVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này. Và thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do mới với các nước Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Venezuela và Paraguay)."

Đẩy mạnh đàm phán các FTA mới nhằm mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu - ảnh 2Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước đối tác FTA tăng trưởng cao. Đơn cử như trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp định CPTPP tăng trên 30% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu và Vương Quốc Anh tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021… Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), lợi ích từ Hiệp định này được đánh giá là sẽ đến trong dài hạn từ việc thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hóa Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết: "Chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua là đàm phán các hiệp định thì cân nhắc để triển khai tích cực ngay từ đầu năm, đặc biệt chú trọng một số thị trường mà từ trước đến nay chúng ta chưa có khả năng thâm nhập sâu và mạnh. Và gắn với thúc đẩy sản xuất trong nước, tận dụng thị trường mà họ có tiềm lực, về công nghệ, về logistics và nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, đặc biệt chúng tôi cũng đã thúc đẩy để tiến tới gần hơn với quá trình kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Israel cũng như tạo một bước để có thể thâm nhập thị trường Trung Đông. Rất mong thời gian tới có sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành để chúng ta có thể hoàn thiện công tác này."

Thực tế hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2% và tỷ trọng mà chúng ta khai thác được thông qua việc hưởng thuế và xuất xứ hàng hóa cũng mới được khoảng 33,61% trong số 2% này. Điều đó cho thấy dung lượng của các thị trường mà Việt Nam có FTA còn rất nhiều tiềm năng.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng: Để tận dụng được hiệu quả từ các FTA, doanh nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị Việt Nam trong sản phẩm hàng hoá, giảm chi phí logistics: "Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank), chi phí logistic của Việt Nam chiếm tới 20-25% trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động thương mại hóa. Với mức như vậy, chúng ta chỉ cần giảm xuống 5% thì đã tiết kiệm cho doanh nghiệp chi phí trong kinh doanh, đó chính là lợi nhuận và giúp khẳng định lợi thế cạnh tranh. Tôi thấy có hai điểm: Tận dụng thuế và tận dụng giảm logistics. Theo Nghị định mới, Chính phủ đã giao Bộ Công thương trong vấn đề logistics về lĩnh vực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu. Chúng tôi cũng đang đề xuất và xây dựng chiến lược làm sao để phát triển lĩnh vực logistics này phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động trong nước và hoạt động khác cho nền kinh tế."

Hiện nay, việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA được ngành Công thương chú trọng đến việc phát triển bền vững. Đồng thời, tranh thủ quan hệ với các thành viên trong các FTA để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế, như: công nghệ xanh, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm… và gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác