(VOV5)- Đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng, từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế cả nước đang là vấn đề được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Liên kết kinh tế vùng cũnggóp phần tăng cường sự gắn kết, phối hợp giữa trung ương và địa phương trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư một cách hiệu quả hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã phân cấp nhiều quyền hạn quản lý kinh tế cho cấp tỉnh, nhờ đó các tỉnh đã chủ động hơn trong hoạch định các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Sau một thời gian thực hiện, việc phân cấp này lại nảy sinh một số vấn đề về hiệu quả quản lý tạo ra sản phẩm kinh tế. Thiếu sự phối hợp liên kết kinh tế vùng đã gây ra lãng phí trong đầu tư phát triển, nhiều tỉnh, địa phương chưa tận dụng các cơ sở hạ tầng của nhau. Chẳng hạn có những tỉnh ở vị trí địa lý gần nhau, ở gần nhưng trung tâm kinh tế có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhưng để theo đuổi mục tiêu phát triển của địa phương mình cũng muốn có cảng biển, có sân bay riêng. Nhiều tỉnh miền núi giao thông đi lại còn khó khăn nhưng cũng muốn mở khu công nghiệp…Nhiều tỉnh còn phát triển theo phong trào, cùng xây dựng hàng loạt các nhà máy xi măng, thủy điện, khai thác khoáng sản, khu đô thị...
Thực tế này vô hình chung đã tạo thành nhiều “nền kinh tế” , phá vỡ tổng thể nền kinh tế quốc gia. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Các yếu tố về địa lý, yếu tố văn hóa, lợi ích mọi sự liên kết mà không có lợi ích thì chỉ nằm trên giấy và lý thuyết. Do vậy, động lực về lợi ích trong liên kết kinh tế vùng là phải làm thế nào khắc phục tình trạng mà nhiều chuyên gia đã nói nền kinh tế Việt Nam nhưng trong 63 tỉnh thành thì lại có 63 nền kinh tế, đặc biệt là tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính như hiện nay.”
|
Một hội thảo quốc tế về vấn đề liên kết vùng/ Ảnh: Huy Thắng/VGP News |
Cùng với đó là việc các tỉnh, thành gia tăng hoạt động xúc tiến đầu tư một cách riêng rẽ. Tuy thể hiện được tinh thần năng động, chủ động tích cực, nhưng ở góc độ của các nhà đầu tư thì lại thấy một đối tác thiếu tính tổ chức và thống nhất về đường hướng, chính sách và thông tin. Trong khi đó, các mối liên kết phải mang tính lâu dài, chiến lược hơn như phát triển mạng lưới khu công nghiệp, mạng lưới giao thông, thu hút và quản lý đầu tư nói chung, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giải quyết vấn đề ô nhiễm... Để liên kết vùng thực sự phát huy hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, cho rằng: Các bộ, ngành cần quan tâm đến các dự án trọng điểm của vùng, đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời cần hoàn thiện hệ thống giao thông của vùng; giải quyết bài toán xung đột lợi ích về tài chính cho vùng. Cũng cần phải gắn việc phân cấp, phân quyền với phân định trách nhiệm của trung ương, địa phương. Sớm xây dựng thể chế liên kết vùng theo hướng xác định vai trò đầu tầu và phân công cụ thể, trách nhiệm của từng địa phương. Ông Lê Thanh Quang nêu ý kiến: “Kiến nghị Chính phủ Quyết định công nhận về chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của Ban điều phối vùng và chính sách đặc thù cho quy chế vùng trọng tâm vào ba nhóm kinh tế chính là ngư nghiệp đánh bắt chế biến hải sản, du lịch biển đảo gắn với du lịch văn hóa lịch sử và phát triển khu kinh tế ven biển gắn với kinh tế cảng biển với lộ trình triển khai cụ thể từ này đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.”
Việc điều phối vùng đủ mạnh sẽ mang tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều phối vùng cũng mang lại lợi ích việc phát triển kinh tế vùng gắn với bảo vệ môi trường, do đó cần coi quá trình liên kết vùng như một cơ hội, cho các tỉnh và vùng cùng nhau phối hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thì việc quy hoạch đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng là công cụ quản lý nhà nước thích hợp để tạo sự kết dính lãnh thổ các tỉnh trong vùng. Điều này cũng cho phép vùng khai thác hợp lý các tài nguyên, nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập kinh tế quốc tế, ứng phó tốt hơn với thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu.