(VOV5) - Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/3.
Theo ông Đào Minh Tú, năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua, lãi suất là một trong những chỉ số rất quan trọng và đã được triển khai một cách quyết liệt. So với mặt bằng đầu năm 2015 - 2016, lãi suất huy động giảm 2,3%, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 3,6% so với giai đoạn trước đây. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa cho các đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%, giảm khoảng 2,5% nếu so với năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
"Tất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức bình quân của ASEAN +4. Đây là một trong những chỉ số rất tích cực. Hết tháng 3/2021, mức lạm phát và chỉ số CPI tăng thấp, tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn đang có những dấu hiệu tích cực, dư nợ các lĩnh vực đang có chiều hướng tích cực với mức tăng 2,44% (cùng kỳ năm ngoái là 1,3%). Chính vì thế, việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là ổn định, hiện nay đang ổn định và duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay." Ông Đào Minh Tú nói,
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới (như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm nay) hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… để điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý. Ngân hàng yêu cầu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021, trước mắt là những tháng đầu năm.