Doanh nghiệp chuyển mình trong cách mạng công nghiệp 4.0

(VOV5) - Trước sự cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã có bước chuyển mình trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở Việt Nam có khoảng 75% doanh nghiệp đang sử dụng  công nghệ ở mức công nghiệp 2.0, 3.0. Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam.   

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Doanh nghiệp chuyển mình trong cách mạng công nghiệp 4.0 - ảnh 1Thiết bị tự động hóa tiên tiến nhất của Mitsubishi Electric cho sinh viên thực hành tại Đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nền tảng quan trọng để nguồn nhân lực được đào tạo đáp ứng với yêu cầu đặt ra từ các doanh nghiệp. 

Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC, doanh nghiệp có hơn 40 năm kinh nghiệm sản xuất kem đánh răng, bột giặt và chất  tẩy rửa. Cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ của công ty bắt đầu từ một cơ duyên cách đây 5 năm. Khi một đối tác nước ngoài đến tham quan nhà xưởng họ ngạc nhiên vì công nghệ sản xuất lạc hậu, thâm dụng lao động... Từ đó, doanh nghiệp bắt đầu tập trung đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, sản lượng tăng gấp 3 lần, nhưng số lao động giảm xuống còn 1/3. Trước đây để sản xuất 4 ngàn hộp kem trong 1 giờ, doanh nghiệp cần 20 lao động thì nay chỉ có 4 lao động. Không dừng lại ở đó, cách đây 2 năm công ty đầu tư 2 triệu đô la Mỹ nhập dây chuyền sản xuất kem đánh răng tự động của Châu Âu. Dây chuyền này tự động hóa hoàn toàn từ khâu đưa nguyên liệu vào đến đóng gói và hoàn thiện sản phẩm. Điều này, không chỉ giúp công ty tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, công ty được SaiGon – Coop đặt hàng sản xuất nhãn hàng riêng. Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC cho biết: "Mình đắn đo lắm khi mình bỏ một số tiền như vậy đầu tư vì mình cần chất lượng sản phẩm, nhờ đó mình lấy được chứng nhận GMP. Dựa trên cái đó, SaiGon – Coop mới cho mình sản xuất hàng thương hiệu của họ".

Còn với Công ty cổ phần Vinamit, cuộc Cách mạng 4.0 là giấc mơ ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng độc đáo. Doanh nghiệp này bắt đầu từ việc ứng dụng vi khuẩn vào việc cải tạo đất trồng cây, chế biến trái cây. Ứng dụng này giúp doanh nghiệp khử độc trong đất, tạo hệ miễn dịch cho cây khỏe mạnh kháng sâu bệnh, tạo ra trái cây chất lượng, hương vị đậm đà hơn. Đồng thời, công ty cũng nghiên cứu sâu và ứng dụng công nghệ sinh học chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô và sữa chua đông khô tạo ra những sản phẩm mới độc đáo. Những sản phẩm này, công ty đã xuất khẩu đến 14 nước trên thế giới, trong đó xuất nhiều nhất sang Trung Quốc và Mỹ. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ: "Muốn tham gia vào công nghệ sinh học thời đại 4.0 thì công ty phải bắt đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học. Tôi đưa công nghệ này vào trái cây quả của chúng tôi thì nó trả cho chúng tôi hương vị độc đáo, mùi vị độc đáo, độ dẻo  dai của sản phẩm, nó tạo độ tự nhiên của trái cây tăng lên, màu sắc tự nhiên lên, tôi thành công rồi".

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất tích cực chuyển mình theo kịp thời kỳ công nghiệp mới, mà một số doanh nghiệp thương mại – dịch vụ cũng đã chuẩn bị cho cuộc hội nhập này khá sớm. Công ty Cổ phần Công nghệ Sen đỏ dù là doanh nghiệp mới thành lập được 5 năm, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin kênh thương mại điện tử Sendo.com có mức tăng trường mỗi năm doanh số tăng 30%. Sen Đỏ đã kết hợp với 2 ông lớn là Google và Facebook để tối ưu hóa marketing cho các shop. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc đối ngoại, Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ cho biết: "Thay vì các cá nhân shop thực hiện chạy Google, Facebook, hay những kênh  quảng cáo thì sẽ đơn lẻ và khó  hơn thì Sen Đỏ sẽ làm ở quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn, tự động và tối ưu hơn  để người mua thích cái áo thì đưa cho người ta cái áo, thích công nghệ thì đưa martphone". 

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến cục diện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp từng ngày, từng giờ. Nếu doanh nghiệp không nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng những thành tựu mới của công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và bị  lạc nhịp về công nghệ sẽ dễ bị đào thải. Đây không phải là cuộc cạnh tranh ưu thế thuộc về “ông lớn”  hay “ông nhỏ” mà điều quan trọng là ai nhanh nhạy, ứng dụng công nghệ hiệu quả để  “đi nhanh” hơn thì sẽ thắng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác