(VOV5) - Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh của Việt Nam còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó, khó khăn lớn nhất nguồn lực còn hạn chế.
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nền kinh tế có độ mở rất cao đang gặp không ít thách thức. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng cho tiến trình này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra với mục tiêu chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.
Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết: "Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp luôn chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay, Rạng Đông đã có 72% dây chuyền tự động liên hoàn. Lò điện của chúng tôi là lò kín, không có bụi, không có ống khói, không phát thải khí CO2, SO2, năng lượng được sử dụng rất hiệu quả. Đấy là những yếu tố nhờ công nghệ số mà chúng tôi mới xanh hóa được hệ thống của mình. Hệ thống Robot của Rạng đông rất đặc biệt. Chúng tôi phải tự mua về, tích hợp từng module, kết nối và hệ thống sản xuất thông minh. Vì vậy, nâng cao được hiệu quả sử dụng năng lượng và nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên".
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông - Ảnh: VOV |
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh của Việt Nam còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó, khó khăn lớn nhất nguồn lực còn hạn chế. Tiến sỹ Đặng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Cần có thêm nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Chúng tôi muốn nhấn mạnh yếu tố đầu tiên là ổn định nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản kinh doanh trong các lĩnh vực. Đó là yếu tố then chốt, sau đó mới đến có những giải pháp hỗ trợ mang tính chọn lọc đối với một số ngành, một số lĩnh vực".
Với mục tiêu trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và liên tục trong những thập niên tới. Trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng theo phương thức truyền thống, dựa chủ yếu trên mở rộng quy mô lao động giá rẻ và vốn, hoặc gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên đang dần hạn hẹp, thì năng suất lao động chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng địa phương và của khu vực doanh nghiệp.
Ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng: "Chúng ta rất cần đầu tư về khoa học công nghệ, đặc biệt là phải đổi mới công nghệ để không những giúp cho chính sách được triển khai phù hợp thực tế, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ động đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp có thể là vị trí trung tâm, nhưng song song với doanh nghiệp thì cần sự hỗ trợ của cộng đồng, của các viện nghiên cứu và các trường Đại học, các nhà là chính sách và các nguồn vốn để hỗ trợ".
Tổ hợp điện năng lượng tái tạo của Tập đoàn Trung Nam đầu tư tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) - Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN |
Trong quá trình chuyển đổi đó, sự nỗ lực của doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần rõ ràng, minh bạch và phải coi doanh nghiệp là trung tâm. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả sẽ góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” các quốc gia trong khu vực. Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường nêu giải pháp: "Tiêu chí phân loại xanh của Việt Nam hiện nay được xây dựng hài hòa với tiêu chuẩn của châu Âu và hài hòa với quy định của Ngân hàng Thế giới cũng như AFC và các tổ chức tài chính khí hậu khác. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí xanh của Việt Nam thì cũng sẽ đáp ứng được tiêu chí xanh của các tổ chức tài chính trên thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính xanh toàn cầu".
Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để nắm bắt cơ hội đang mở ra phía trước, cần có chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh với những mục tiêu, lộ trình cụ thể và đồng bộ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh.