Doanh nghiệp Pháp mong muốn phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam

(VOV5) - Hội thảo diễn ra hôm qua, 23/6, tại tại thành phố Val de Marne, ngoại ô Thủ đô Paris - Pháp, với tên gọi “Việt Nam – đối tác thương mại ở Đông Nam Á”.

Doanh nghiệp Pháp mong muốn phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam  - ảnh 1
Quang cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo dành nhiều thời gian giới thiệu sơ lược về thị trường Việt Nam, khuôn khổ pháp lý, cơ hội kinh doanh, những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh cũng như những điều kiện kinh doanh ngày càng thuận lợi sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ ký kết được hiệp định thương mại song phương vào cuối năm nay. Ngoài ra, lãnh đạo vùng Val-de-Marne giới thiệu những nét sơ lược về thị trường Pháp, những thế mạnh và những lĩnh vực có thể thu hút các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh. 

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương Việt Nam, cho biết: “Đợt hoạt động lần này tiếp theo chuỗi hoạt động của Cục xúc tiến thương mại với mục đích chính là để giới thiệu, quảng quá về thị trường Việt Nam cũng như tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Pháp và thị trường châu Âu, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Trong đó, các nhóm sản phẩm lớn với những doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam là trong các lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, chế tạo thiết bị điện, sản xuất hàng tiêu dùng bia, rượu, nước giải khát”.

Doanh nghiệp Pháp mong muốn phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam  - ảnh 2
Phần trao đổi trực tiếp tại Hội thảo

Bà Elizabeth Rodrigues, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển vùng Val-de-Marne, cho rằng để hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước được hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ nhu cầu nhập khẩu của thị trường theo từng lĩnh vực hoạt động mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, các sản phẩm lương thực, thực phẩm… Đồng thời, các doanh nghiệp của cả Việt Nam và Pháp cần được tạo điều kiện gặp gỡ tìm hiểu, tiến tới ký kết các hợp đồng hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh của mình.

Bà Elizabeth Rodrigues cho rằng:
 “Hiện có nhiều đối tác Pháp bị hấp dẫn và sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta mới chỉ bắt đầu một chặng đường dài và phía Pháp cần phải hoàn thành mọi việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Việc tạo những điều kiện cần thiết cho phép sự hợp tác và trao đổi kinh tế cần có thời gian nhưng lại giữ vai trò quan trọng đối với cả hai nước”./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác