(VOV5)- Sau hơn 2 năm với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết tại Hà Nội. Với cam kết mở cửa lớn từ phía Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tận dụng cơ hội, biến ưu đãi thành thành quả kinh tế.
|
Sản xuất tại Công ty Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Hiệp định thương mại tự do Việt nam- Hàn quốc (VKFTA) là Hiệp định thương mại tự do song phương toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc, mang lại tác động tích cực đối với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, xã hội. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 95.4% số dòng thuế vào thị trường Hàn Quốc, đặc biệt có các mặt hàng nông lâm thủy sản, dệt may và cơ khí. Yếu tố này đồng thời cũng tạo ưu thế cạnh tranh vượt trội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, tiêu biểu là các mặt hàng xuất khẩu như: tôm, tỏi, gừng, mật ong...Ở chiều ngược lại, Việt Nam cắt giảm 89.2% số dòng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đối tượng sản phẩm là hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, xe ô tô, đồ điện gia dụng, sắt thép và cáp điện... Điều này giúp cho nền kinh tế Việt Nam vốn dựa vào sản xuất xuất khẩu bớt phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ một số nước khác. Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng cho biết: Với việc ký kết Hiệp định này, khả năng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh sang Hàn quốc, đặc biệt là thủy sản, nông sản, hàng công nghiệp chế biến sẽ có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian tới và ngược lại nhưng hàng hóa mà hiện nay Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu, nhất là phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, cung cấp nguyên vật liệu cho lĩnh vực dệt may, da giày, những mặt hàng mà Hàn quốc có thế mạnh cũng gia tăng về khối lượng xuất khẩu vào Việt nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, bên cạnh việc ký hiệp định FTA, Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi về một số biện pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư giữa 2 nước. Hàn Quốc cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành mà Việt Nam còn yếu. Hàn quốc cũng tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp trong đó có thủy sản, rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang Hàn Quốc với số lượng ngày càng tăng với thuế xuất ưu đãi. Về tổng thể, những đối tượng được hưởng lợi của Việt Nam thông qua hiệp định này trước hết là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực công nghiệp chế biến, khu vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may và da giầy. Đó là các lĩnh vực chắc chắn qua thực thi Hiệp định sẽ mang lại hiệu quả rất nhiều, lợi ích rất nhiều cho người lao động .
Hiện nay Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Dệt may cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai của Việt Nam sang Hàn Quốc, chỉ sau thủy sản. Ngược lại, Hàn Quốc là nước đang cung cấp gần 20% vải cho ngành may mặc Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Vì vậy, có thể nói Hiệp định KVFTA có tính bổ trợ cao đối với ngành dệt may khi Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và xuất khẩu sản phẩm ngược lại vào thị trường này. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội từ Hiệp định VKFTA này. Thực tế, xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu dệt may sang thị trường Hàn Quốc đã diễn ra từ khi hiệp định FTA ASEAN – Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2009. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là ngành sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và dệt may Việt Nam cũng đã hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này. Do vậy, khi ký kết Hiệp định VKFTA lần này thì cơ hội với các doanh nghiệp vẫn nhiều hơn là thách thức.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định: Về nắm bắt cơ hội, tôi nghĩ doanh nghiệp của chúng ta chuẩn bị tương đối tốt. Tôi xin lấy dẫn chứng, trước khi có Hiệp định thương mại ASEAN- Hàn Quốc thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 16%/năm nhưng sau khi chúng ta ký Hiệp định FTA với Hàn quốc thì xuất khẩu của Việt nam tăng 38%/năm. Và từ chỗ xuất 1 nhập 5 thì bây giờ xuất 1 nhưng chỉ nhập có 3, như vậy tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu từ Hàn quốc đã rút xuống còn có 1-3. Tất nhiên, nhập siêu vẫn còn, nhưng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh thì vẫn có cơ sở hy vọng rằng Việt nam sẽ giảm bớt được nhập siêu và cân bằng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Việc ký kết Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là một bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu lại doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiệp định này cũng góp phần tích cực phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, theo hướng ổn định, lâu dài, góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực./.