Hơn 200 doanh nhân người Việt trên khắp châu Âu đã tụ hội về Prague (CH Crech) vào cuối tháng 10 vừa qua để tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu lần thứ 6 nhằm cùng nhau thảo luận tìm hướng phát triển cho lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng tại châu Âu trong thời khủng hoảng.
Câu hỏi mà hơn 200 doanh nhân Việt kiều tại châu Âu đặt ra trong diễn đàn tại Praha là làm thế nào để kết hợp được với trong nước; kết hợp được sự năng động, nguồn vốn của Đông Âu với kinh nghiệm quản trị và chiến lược phát triển bài bản của Tây Âu nhằm giúp cộng đồng người Việt ở châu Âu đứng vững thời khủng hoảng trong hai lĩnh vực có thế mạnh nhất là hệ thống bán lẻ và nhà hàng.
Khủng hoảng – phải làm gì?
Châu Âu đang khủng hoảng. Các nền kinh tế sử dụng đồng tiền chung euro (Tây Âu) bị ảnh hưởng nặng nhất nhưng các nước Đông Âu cũng rơi vào suy thoái. Khó khăn buộc tất cả phải thay đổi và các doanh nghiệp người Việt cũng không phải ngoại lệ. Là chủ một tập đoàn sản xuất lương thực chiếm đến 70% thị trường mì ăn liền tại Nga, ông Trần Đăng Chung thẳng thắn chỉ rõ: thời của các chợ người Việt những thập kỷ trước đã qua. Và chỉ có cách phát triển chiến lược lâu dài, xây dựng hệ thống bán lẻ của người Việt để hoàn thiện chuỗi phân phối thì các doanh nghiệp Việt ở Nga mới có cơ hội đứng vững trên thị trường.
Ông Chung phân tích: “Nga sau khi vào Tổ chức Thương mại thế giới mở cửa rộng hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Nga, nhưng cũng tạo sự cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp Việt Nam ở Nga phải có chiến lược thay đổi làm sao cho phù hợp với tình hình và phát triển hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng, hoàn thiện chuỗi phân phối của người Việt tại thị trường Nga và Châu Âu”.
Thay đổi như thế nào?
|
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp |
Câu hỏi đặt ra là thay đổi phương thức kinh doanh theo cách nào trong thời khủng hoảng ? Đến từ Italy, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì nợ công nhưng ông Phạm Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Italy cho rằng, không nên quá bi quan vì khủng hoảng, bởi thực tế, với quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt chủ yếu kinh doanh trên nguồn vốn của mình chứ ít vướng vào các khoản nợ ngân hàng. Điều quan trọng là coi đây là cơ hội để đổi mới cách làm.
“Tình hình khủng hoảng gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực nhưng cũng tạo cơ hội cho một số lĩnh vực, tùy mình đang đứng ở chỗ nào. Ví dụ doanh nghiệp như do anh của tôi làm việc trong lĩnh vực dệt may và phụ kiện, dù nhỏ nhưng có lịch sử 25 năm. Mình phải chú ý đến chất lượng, mẫu mã phù hợp thị trường và khi đó dù thị trường thu nhỏ lại, mình làm ít lại nhưng vẫn tồn tại”.
Và phải bỏ tư duy sống chỉ bám vào chợ như trước! Đó là điều mà các doanh nhân Việt Nam tại Châu Âu hiện nay đều nhất trí. Theo ông Hoàng Xuân Bình, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Ba Lan, Phó Chủ tịch Trung tâm thương mại ASG tại Ba Lan, cần phải xây dựng những trung tâm thương mại tập trung bán lẻ thay vì chỉ là bán buôn như trước, trong đó phải đa dạng hóa nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ.
“Không thể đơn thuần là mua sắm, phải xây dựng những trung tâm đa dạng cả sản phẩm, dịch vụ, vui chơi, giải trí, và đặc biệt phải nhấn mạnh những nét đặc sắc của Việt Nam, khác biệt với Châu Âu. Ví dụ như văn hóa, như múa rối nước đưa vào trung tâm chẳng hạn, để người ta thấy cái hồn của mình, thấy những giá trị đáng để cả gia đình họ đến với mình”.
Khủng hoảng là cơ hội
Điều cuối cùng mà hơn 200 doanh nhân Việt Nam tại châu Âu thống nhất được với nhau, đó là: nên coi khủng hoảng là cơ hội hơn là thách thức. Ông Lâm Đức Hải, Chủ tịch doanh nghiệp Northfinder đến từ Slovakia, có niềm tin mạnh mẽ rằng: “Các nước Đông Âu đang đón nhận cơ hội thứ 2 sau những năm 90. Khủng hoảng ở châu Âu khiến các doanh nghiệp bản địa đi chậm lại, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian tự đổi mới và theo kịp. Điều quan trọng là hãy bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ nhưng có chiến lược lâu dài, người Việt cũng có thể làm chủ tốt chứ không thể núp mãi trong vỏ bọc cộng đồng được”.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) ủng hộ tư duy mạnh dạn đó và chia sẻ, thị trường Pháp, nơi có số lượng người Việt và gốc Việt đông thứ 2 thế giới (từ 400-600.000 người), với nguồn chất xám lớn trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, tin học, y dược, pháp lý… sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp Việt Nam tại Đông Âu tiến sang phía Tây, mở rộng thị trường và học hỏi công nghệ quản trị.
“Chúng ta nghĩ lớn và bắt đầu từ những việc nhỏ” - ông Huỳnh Long, Chủ tịch công ty Long Đàn đến từ Anh, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhưng giờ lại thành công trong lĩnh vực thủy sản, khẳng định – “Các công ty vừa và nhỏ (SME) luôn là động lực của các nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu là những công ty vừa và nhỏ có khả năng liên kết tốt để trụ vững và phát triển”./.