(VOV5) - Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động, cả chất lượng và số lượng, cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của đổi mới sáng tạo.
Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: congthuong.vn |
Đây là thông điệp được đưa ra tại Báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ Australia tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới mới công bố.
Báo cáo nêu rõ sự lan tỏa công nghệ, không chỉ là nghiên cứu và phát triển, có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất nên là ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.