Đối thoại thẳng thắn với các nhà tài trợ cho Việt Nam

(VOV5)- Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 vừa kết thúc tại tỉnh Quảng Trị. Tại diễn đàn này, nhiều vấn đề đã được các nhà đầu tư và đại diện chính phủ Việt Nam đối thoại một cách thẳng thắn, tìm hướng hợp tác hiệu quả, giúp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Ánh Huyền, Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Cục trưởng Cục quản lý đầu tư nước ngoài-Bộ kế hoạch đầu tư Đỗ Nhất Hoàng về một số nội dung xung quanh Hội nghị này.



Đối thoại thẳng thắn với các nhà tài trợ cho Việt Nam - ảnh 1


Bấm dưới đây để nghe âm thanh:




PV:   Việc thực hiện thành công Nghị quyết 11 của Chính phủ thời gian qua đã được các nhà tài trợ đánh giá cao, với kết quả cụ thể là giảm mạnh mức lạm phát về một con số. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn không ít thách thức, ông muốn chia sẻ điều gì với các nhà tài trợ sau Hội nghị CG lần này?


Ông Đỗ Nhất Hoàng: Việc thực hiện nghị quyết 11 vừa qua chúng ta đã có rất nhiều biện pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ví dụ đầu tư nước ngoài tuy có giảm về số lượng, nhưng vốn giải ngân được duy trì. Nếu so sánh 5 tháng đầu năm nay với năm 2011 cũng như năm 2010 thì vẫn duy trì ở mức khoảng trên 4,5 tỷ USD. Vốn đăng ký có thể suy giảm đi nhưng vốn giải ngân là vốn thực sự các nhà đầu tư nước ngoài mang vào vẫn duy trì ở mức đều. Xuất khẩu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái tăng 36,9%, nhập khẩu tăng 25,3%. Đấy là dấu hiệu tốt trong đầu tư nước ngoài và trên cơ sở Chính phủ thực hiện hàng loạt các gói giải pháp, thực hiện nghị quyết 11 kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những cái đó rất thiết thực, cần thiết, từ năm 2011 đến nay đã có tác động tốt, đóng góp đáng kể vào thu hút FDI.


Thời gian qua, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của các nhà tài trợ đối với nguồn vốn ODA. Nguồn vốn ODA này có tác động tương hỗ, hỗ trợ tốt cho hoạt động FDI. Nguồn vốn ODA hỗ trợ cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Nếu không có hạ tầng tốt thì nhiều trường hợp nhà đầu tư không dám đầu tư. Tôi nghĩ rằng vừa qua các nhà tài trợ đã có đóng góp đáng kể và hiệu quả cho phát triển hạ tầng cơ sở tại VN. Tôi mong muốn rằng các nhà tài trợ tiếp tục phát huy để hỗ trợ VN, hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và xã hội, để hỗ trợ tốt hơn nữa cho việc thu hút FDI.


PV:  Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối tháng 5 vừa qua, các nhà tài trợ đã yêu cầu VN phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng. Cùng với đó, các nhà tài trợ cũng lo ngại việc một số sai phạm ở tập đoàn lớn như vụ Vinashin, Vinalines đã và đang được Chính phủ VN chỉ đạo xử lý theo đúng trình tự của pháp luật. Vậy theo ông, tác động của những vụ việc này lên nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như thế nào trong thời gian tới?


Ông Đỗ Nhất Hoàng:  Vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nhà nước và ngân hàng. Đó là việc làm cần thiết và kịp thời. Trong quá trình đó chúng ta đã rà soát và thấy có những sai phạm nhất định như ở Tập đoàn Vinashin và gần đây là Vinalines. Việc rà soát này đã thể hiện sự quyết tâm rất mạnh mẽ, từ lời nói đến hành động của Chính phủ cũng như các cấp khác nhau trong bộ máy chính quyền. Qua thực tiễn thời gian qua, sau sự kiện Vinalines thì bắt đầu Chính phủ đã chỉ đạo tái cơ cấu và triển khai hàng loạt để điều chỉnh và phục hồi lại. Những dấu hiệu gần đây cho thấy Vinashin đã có nhiều phục hồi theo hướng tích cực. Như vậy, việc rà soát, kiểm tra sức khỏe, tìm ra bệnh và chữa bệnh là đã có hiệu quả bước đầu. Việc làm này, dưới góc độ của chúng tôi thấy rằng có tác động rất tốt tới đầu tư nước ngoài. Ví dụ, sau đợt rà soát này, những dự án Vinashin cho rằng rất hiệu quả, rất tốt muốn giữ để làm nhưng không có khả năng tài chính thì sau đợt rà soát này đề nghị phải trả lại cho nhà nước. Và những dự án như vậy sẽ dành cho các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính thì người ta thấy những dự án như vậy, trước kia họ không tiếp cận được thì nay có điều kiện tiếp cận, có thể triển khai được. Tôi nghĩ là đấy là hướng mở cho cơ hội đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời chúng ta rà soát trong cả hệ thống, kể cả tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, khi rà soát thế này thì cũng là điều tốt để tìm ra những dự án tốt, đồng thời thanh lọc những nhà đầu tư không hiệu quả. Điều này giúp tăng lòng tin, tăng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.


PV:   Bên lề Hội nghị CG giữa kỳ 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã cho biết Đan Mạch vừa quyết định tạm dừng cấp ODA cho 3 dự án để làm rõ một số nghi vấn và các cơ quan quản lý của Việt Nam đang cùng phía Đan Mạch khẩn trương xem xét. Ở góc độ quản lý nguồn đầu tư nước ngoài, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này và liệu những tác động đó có ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI hay không?


Ông Đỗ Nhất Hoàng:  Những dự án mà Đan Mạch tài trợ liên quan đến nguồn vốn ODA, các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét. Đây là việc hết sức bình thường khi mà các dự án nói chung, có thể có những yếu tố khách quan, có thể có những yếu tố chủ quan, cái này các cơ quan đang xem xét. Tuy nhiên, đối với những dự án ODA đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng, công khai. Đây là sự thể hiện công khai, trong quá trình triển khai có vướng mắc thì phải có rà soát, có thể có sự hiểu lầm. Việc rà soát minh bạch, công khai này cũng là một trong những yếu tố tốt cho môi trường đầu tư, thể hiện là chúng ta rất minh bạch, công khai. Như vậy sẽ làm lành mạnh môi trường đầu tư, làm nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Tôi cho rằng trong chừng mực nào đó, điều này lại có tác động tốt để các nhà đầu tư thấy rằng môi trường đầu tư của VN rất công khai, minh bạch.



PV: Xin cảm ơn ông./.





Phản hồi

Các tin/bài khác